Tình hình kinh tế - xã hội của Thành phố Hà Nội tháng 10 năm 2014 (10:51 27/10/2014)


HNP - Ngày 21/10/2014, Cục Thống kê TP Hà Nội có báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 của Thành phố Hà Nội. Báo cáo tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu: sản xuất công nghiệp, vốn đầu tư, thương mại dịch vụ, sản xuất nông nghiệp, tín dụng ngân hàng, thị trường chứng khoán và các vấn đề xã hội.


Một là về sản xuất công nghiệp, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng Mười tăng 7,3% so tháng 9 và tăng 7,9% so cùng kỳ năm trước, trong đó các ngành tăng gồm: Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,7% và 8,9%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,7% và 7,8%. Một số ngành vừa tăng vừa giảm gồm: Công nghiệp khai khoáng giảm 6,9% và tăng 46,2%; Sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 1,6% và tăng 3,3%;

Tính chung 10 tháng, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 4,5% so với cùng kỳ, trong đó: Công nghiệp khai khoáng tăng gấp hơn 3 lần; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,8%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt... tăng 3,5%; Cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 1,8%. Một số ngành có chỉ số sản xuất tăng cao so cùng kỳ năm trước và tăng cao hơn so bình quân chung toàn ngành công nghiệp như: Công nghiệp dệt tăng 9,1%; sản xuất trang phục tăng 25,1%, sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 54,6%, sản xuất xe có động cơ tăng 27,9%, sản xuất giường tủ bàn ghế tăng 39,6%...

Sản phẩm công nghiệp chủ yếu của TP Hà Nội ước tính 10 tháng năm 2014 có nhiều sản phẩm tăng so cùng kỳ như: Sản phẩm mây tre đan tăng 20,3%, phân lân nung chảy tăng 54,4%, dung dịch đạm huyết thanh tăng 4,5%, cửa nhôm tăng 19%, quạt các loại tăng 20%).. Một số ngành sản phẩm giảm sút so với cùng kỳ là các mặt hàng đồ uống giảm do thời tiết bắt đầu chuyển mùa như: Bia đóng chai, giảm 2,5%; Rượu, giảm 44,6% ...và Gạch xây dựng, giảm 16,7%; Bê tông trộn sẵn, giảm 25,5% ..

Hai là về vốn đầu tư, vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng Mười đạt 2.350 tỷ đồng, tăng 12% so với thực hiện tháng trước và giảm 15,9% so với tháng cùng kỳ năm 2013. Ước tính 10 tháng năm 2014 thực hiện vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách đạt 19.271 tỷ đồng, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm trước và bằng 82,2% kế hoạch năm 2014.

Nhìn chung, tiến độ một số công trình, dự án trên địa bàn thành phố vẫn đảm bảo theo đúng kế hoạch. Về dự án đường 5 kéo dài, khu vực Hà Nội đã chính thức thông xe kỹ thuật dự án đường 5 kéo dài và cầu Đông Trù bắc qua sông Đuống, đồng thời gắn biển công trình chào mừng kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ Đô. Công trình xây dựng đường 5 kéo dài là tuyến đường đô thị chính cấp I, được nối từ khu đô thị Bắc Thăng Long Vân Trì tới Quốc lộ 5 với tổng chiều dài 13,3km, mặt cắt ngang nền đường 68,5m. Đây là một trong những dự án giao thông trọng điểm của thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2015.  

Đối với dự án đường sắt đô thị, cụ thể là tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nộit tính đến hết tháng 9/2014, gói thầu số 1 đã thi công khoan 6 cọc khoan nhồi P345 giao diện với vành đai 2 Cầu Giấy, hoàn thành thí nghiệm nén tĩnh 6 cọc; tổ chức rào và tiến hành thí nghiệm khoan 2 cọc nhồi tại khu gian S1-S2, 2 cọc tại nút Cầu Giấy, hiện nay đã rào công trường để thi công cọc đại trà. Đến nay, gói thầu số 2, chủ đầu tư đã tạm ứng cho nhà thầu phần vốn EIB khoảng 133 tỷ đồng, đơn vị thi công đã tổ chức rào và thi công từ ga số 1- Ga số 7 và đã triển khai thi công cọc; đã hoàn thành thí nghiệm khoan lõi và siêu âm cọc đang trong giai đoạn thí nghiệm PDA và chuẩn bị thi công bệ trụ ga S1 và đang tiến hành đào và thi công phần bệ trụ ga S2…

Đặc biệt, trong tháng 10, công trình Nhà Quốc hội đã được sử dụng cho kỳ họp Quốc hội khóa 8. Đây được đánh giá là công trình quy mô, phức tạp nhất từ trước đến nay được các nhà thầu Việt Nam xây dựng, với hơn 80 phòng họp lớn nhỏ, nhiều trang thiết bị hiện đại. Sau khi kết thúc kỳ họp thứ 8, các nhà thầu thi công sẽ tiến hành hoàn thiện lần cuối, chảy thử liên động toàn bộ công trình và ban giao toàn bộ tòa nhà trước Tết Nguyên đán năm nay.

Ngoài ra, một số công trình khánh thành và gắn biển công trình kỷ niệm 60 năm giải phóng Thủ đô gồm: Hội trường Công an Thành phố Hà Nội; Tổ hợp thương mại và nhà ở cao tầng CT3, đường Lê Đức Thọ, Từ Liêm; trường THPT Phúc Lợi, phường Phúc Lợi, quận Long Biên, Trung tâm thương mại Thiên Sơn Plaza Hoàn Kiếm số 2 Chương Dương Độ, Quận Hoàn Kiếm …

Ba là về thương mại dịch vụ, riêng nội thương tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán ra và doanh thu dịch vụ tháng Mười ước tính đạt 162.286 tỷ đồng, tăng 1,4% so tháng trước và tăng 11,9% so cùng kỳ, trong đó, tổng mức bán lẻ đạt 38.097 tỷ đồng, tăng 1,7% so tháng trước và tăng 13,4% so cùng kỳ. Ước tính 10 tháng, tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán ra và doanh thu dịch vụ đạt 1.501 nghìn tỷ đồng, tăng 11,8% so cùng kỳ, trong đó, tổng mức bán lẻ tăng 11,4%. Trong tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ, khu vực kinh tế nhà nước chiếm 31,6%, khu vực kinh tế ngoài nhà nước chiếm 63,8%, còn lại là khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 4,6%.

Về ngoại thương, ước tính kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tháng Mười đạt 961 triệu USD, tăng 7,1% so tháng trước và tăng 11,2% so cùng kỳ, trong đó, xuất khẩu địa phương tăng 7% và tăng 10,6%. Ước tính 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu đạt 11.070 triệu USD, tăng 11% so cùng kỳ, trong đó, xuất khẩu địa phương tăng 8,9%. Trong 10 tháng 2014, nhóm hàng nông sản và nhóm hàng may, dệt là những nhóm có giá trị hàng xuất khẩu và tốc độ tăng cao so cùng kỳ (hàng nông sản chiếm 10,4% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 12,8% so cùng kỳ; Hàng may, dệt chiếm 13,8% và tăng 18,8%).

Trong đó, ước tính kim ngạch nhập khẩu tháng Mười đạt 2.060 triệu USD, tăng 2,6% so tháng trước và tăng 2,1% so cùng kỳ, trong đó, nhập khẩu địa phương tăng 2,1% và tăng 1,3%. Ước tính 10 tháng, kim ngạch nhập khẩu đạt 20.097 triệu USD, tăng 5% so cùng kỳ, trong đó, nhập khẩu địa phương tăng 5,6%.

Đối với ngành vận tải, khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng Mười ước tính tăng 0,6% so tháng 9 và tăng 10,8% so cùng kỳ; khối lượng hàng hóa luân chuyển tăng 0,8% và tăng 12%, doanh thu tăng 0,5% và tăng 11,5%. Ước tính 10 tháng, khối lượng hàng hóa vận chuyển tăng 9,3% so cùng kỳ, khối lượng hàng hóa luân chuyển tăng 9,9%, doanh thu tăng 12,4%. Về số lượng vận chuyển hành khách tháng Mười ước tính tăng 0,9% so tháng 9 và tăng 9,3% so cùng kỳ, số lượng hành khách luân chuyển tăng 1,4% và 11,5%, doanh thu tăng 1% và 12,2%. Ước tính 10 tháng, số lượng hành khách vận chuyển tăng 8,8% so cùng kỳ, số lượng hành khách luân chuyển tăng 9,7%, doanh thu tăng 12,6%.

Trong thương mại dịch vụ, thị trường giá cả luôn là vấn đề được quan tâm. Chỉ số giá tiêu dùng tháng Mười tăng 0,04% so tháng trước. Có 8/11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng trong tháng này, tăng cao nhất là nhóm hàng thiết bị và đồ dùng gia đình (tăng 0,53%); nhóm duy nhất có chỉ số giá giảm trong tháng này là nhóm giao thông (giảm 1,07%) do giá xăng dầu liên tiếp giảm trong 2 tháng vừa qua. Chỉ số giá vàng tiếp tục giảm (giảm 3,98% so tháng trước) trong khi đó chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,13%. Giá một số mặt hàng cụ thể như sau:

Trong tháng 10, nhóm lương thực tăng nhẹ (tăng 0,54%), nguyên nhân khiến giá gạo tăng nhẹ là do miền bắc đang vào vụ giáp hạt và nhu cầu xuất khẩu gạo tăng mạnh tại các tỉnh miền Nam nên ảnh hưởng đến nguồn cung gạo. Các mặt hàng khác trong nhóm lương thực như mì tôm, bánh đa, khoai lang… giữ giá ổn định.

Thực phẩm tăng 0,01% so với tháng 9, nhóm thực phẩm tăng chủ yếu là tăng thịt lợn và một số loại rau trái vụ (giá thịt lợn tăng từ 1000-3000đ/kg), giá các loại gia cầm và trứng tiếp tục giảm do nguồn cung dồi dào, nguyên nhân khiến giá thịt lợn tăng là do thiếu nguồn cung. Giá một số loại rau củ như bắp cải, khoai tây,rau muống, rau cải… tăng do đang vào thời điểm giáp vụ nên nguồn cung rau củ tại các chợ giảm đi, đẩy giá các mặt hàng rau củ tăng, các mặt hàng thực phẩm tươi sống khác như thịt bò, cá chép… giá ổn định.

Về nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,04% so tháng trước, nguyên nhân do trong nhóm giá nước sạch dùng trong sinh hoạt của các hộ gia đình, các cơ quan, doanh nghiệp tăng gần 1000đ/1m3. Mặc dù giá gas từ 1/10 tăng 333đ/1kg tương đương mức tăng 4.000đ/bình gas 12kg nhưng tính bình quân thì giá gas vẫn giảm (do từ 1/9 giá gas giảm khoảng 7.000đ/bình), giá dầu hỏa được điều chỉnh giảm 3 lần (ngày 19/9, 30/9 và 13/10).

Riêng giá xăng dầu được điều chỉnh giảm 2 lần trong kỳ tính giá (vào ngày 30/9 và ngày 13/10), sau 2 lần giảm giá, giá xăng dầu hiện nay là: giá xăng A92 giá 22.890đ/lít, xăng A95 giá 23.490đ/lít, giá dầu diezen giá 20.240đ/lít.

Bốn là về sản xuất nông nghiệp, hiện nay ngành trồng trọt, sản xuất vụ mùa 2014 tính đến ngày 14/10/2014, toàn bộ diện tích lúa mùa đã cơ bản thu hoạch xong, một số huyện cấy sớm đã gặt xong từ đầu tháng 10/2014 như: Phú Xuyên, Sơn Tây, Ba Vì, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hoà, Mỹ Đức,... Nhìn chung vụ mùa năm nay được mùa, do thời tiết khá thuận lợi, mưa, nắng đều và có sự chỉ đạo trong việc chuyển đổi cơ cấu giống lúa cho năng suất cao, chất lượng tốt, nhiều loại cây trồng như lúa, đậu tương, lạc, sắn… cho năng suất khá. Cụ thể: Lúa 54,63 tạ/ha, tăng 5%; Ngô 47,35 tạ/ha, giảm 2,1%; Khoai lang 92,77 tạ/ha, giảm 2,2%; Đỗ tương 19,07 tạ/ha, tăng 8,1%; Lạc 20,04 tạ/ha, tăng 4,8%; Sắn 193,38 tạ/ha, tăng 1,7%. Với sản xuất vụ đông, toàn thành phố Hà nội, đã gieo trồng được 31.950 ha cây vụ đông các loại, bằng 60,3% kế hoạch và bằng 71,8% so với vụ đông năm 2013. Trong đó ngô 6.810 ha; Đỗ tương 14.579 ha; Lạc 450 ha; Khoai lang 1.259 ha; Rau đậu các loại 8.952 ha ... Tình hình sâu bệnh hại cây trồng trong tuần nhìn chung ở mức ổn định, không có phát sinh các dịch bệnh lớn.

Về chăn nuôi, tình hình chăn nuôi từ đầu năm đến nay tương đối thuận lợi, việc phát triển chăn nuôi và thuỷ sản theo hướng phát triển các vùng chăn nuôi tập trung, đầu tư con giống có năng suất, chất lượng, như dự án phát triển đàn bò 3B và bò sữa. Công tác tiêm phòng dịch bệnh cho gia súc, gia cầm được tổ chức thường xuyên, nên không để xảy ra dịch bệnh. Để chuẩn bị cho nhu cầu thực phẩm vào cuối năm, nhất là dịp tết nguyên đán Ất Mùi về chăn nuôi có xu hướng tăng cụ thể: Đàn trâu ước 23.990 con, tăng 0,3% so cùng kỳ; đàn bò 133.844 con, tăng 2,2% (trong đó: đàn bò sữa 13.500 con, tăng 8,7%). Đàn lợn gần 1,4 triêu con, tăng 1,1%; Đàn gia cầm trên 25 triệu con, tăng 3,5% (trong đó đàn gà trên 16 triệu con, tăng 2%).

Bên cạnh trồng trọt, chăn nuôi, ngành lâm nghiệp, thủy sản cũng được chú trọng. Tình hình trồng, chăm sóc rừng và giao khoanh nuôi tái sinh, khoán bảo vệ vẫn duy trì theo kế hoạch được giao, từ đầu năm đến thời điểm hiện nay, diện tích rừng trồng mới ước đạt 232 ha, bằng 93,2 % so với cùng kỳ. Các địa phương tiếp tục chăm sóc diện tích rừng hiện có và số cây phân tán đã trồng, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, không để xảy ra cháy rừng, trong tháng, trên địa bàn Thành phố không xảy ra cháy rừng và chặt phá rừng trái phép, Chi cục kiểm lâm phối hợp với các địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Hiện nay, các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản tập trung chăm sóc cho diện tích nuôi trồng thuỷ sản hiện có, diện tích nuôi thuỷ sản cộng dồn từ đầu năm đạt 21.179 ha, tăng 0,9% so với cùng kỳ, sản lượng thuỷ sản đạt 57.906 tấn tăng 7,8% so với cùng kỳ, trong đó: Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng  55.319 tấn tăng 8% so với cùng kỳ, sản lượng khai thác thuỷ sản 2.588 tấn tăng 4,1%.

Năm là về tín dụng ngân hàng, thị trường chứng khoán, theo báo cáo, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước tính tháng Mười đạt gần 1.160 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% so tháng trước và tăng 10,8% so tháng 12/2013; trong đó, tiền gửi tăng 1,9% và 9,8% (tiền gửi tiết kiệm tăng 1,5% và 6,4%, tiền gửi thanh toán tăng 2,2% và 12,4%), phát hành giấy tờ có giá tăng 2,8% và tăng 39,5%. Tổng dư nợ cho vay tháng Mười ước tính 980 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3% so tháng trước và tăng 3,7% so tháng 12/2013, trong đó dư nợ ngắn hạn tăng 2,7% và giảm 1,4%, dư nợ trung và dài hạn tăng 2,7% và 14,9%.

Đối với thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch 15/10, trên cả hai sàn giao dịch chứng khoán do Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội quản lý có 525 công ty niêm yết (trong đó: có 366 công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán tập trung – HNX và 159 công ty niêm yết trên sàn giao dịch dành cho các công ty đăng ký giao dịch –Upcom), với giá trị niêm yết đạt 113.485 tỷ đồng, tăng 5,1% so với đầu năm (trong đó: HNX đạt 91.258 tỷ đồng, tăng 4,3%; Upcom đạt 22.227 tỷ đồng tăng 8,9%). Giá trị vốn hóa toàn thị trường đạt 204.131 tỷ đồng, tăng 53,9% so với đầu năm (trong đó: HNX đạt 145.132 tỷ đồng, tăng 35,8% và Upcom đạt 58.999 tỷ đồng, tăng 129,2%).

Đối với thị trường cổ phiếu niêm yết (HNX), kết thúc phiên giao dịch ngày 15/10, chỉ số HNX-Index đạt 89,57 điểm, tăng 21,73 điểm, tương ứng tăng 32,3% so với đầu năm (chỉ số HNX30 đạt 180,66 điểm, tăng 53,35 điểm tương ứng 41,9% so với đầu năm). Trong 11 phiên giao dịch đầu tháng Mười, khối lượng giao dịch đạt 853,4 triệu CP, với giá trị chuyển nhượng đạt 11.906 tỷ đồng (trong đó: giao dịch khớp lệnh đạt 812,2 triệu CP, giao dịch thỏa thuận đạt 41,2 triệu CP với giá trị giao dịch lần lượt là 11.352 tỷ và 555 tỷ đồng). Bình quân một phiên giao dịch, có 77,6 triệu CP được chuyển nhượng với giá trị bình quân là 1.082 tỷ đồng, giảm 12,2% về khối lượng và 12,5% về giá trị so với bình quân chung tháng Chín. Lũy kế từ đầu năm, khối lượng giao dịch đạt 13.562 triệu CP được chuyển nhượng với giá trị đạt 151.945 tỷ đồng, tăng 66,6% về khối lượng và 139,3% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Về thị trường giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết (Upcom), sàn giao dịch của các công ty đại chúng chưa niêm yết có mức tăng trưởng khá ấn tượng về chỉ số nhờ vào nhóm cổ phiếu bất động sản như: SDI, NHN, ... Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/10 chỉ số Upcom-Index đạt 100,43 điểm, tăng 57,97% điểm tương ứng tăng 136,5% so với đầu năm. Trong 11 phiên giao dịch đầu tháng Mười, khối lượng giao dịch đạt 47,3 triệu CP được chuyển nhượng với giá trị chuyển nhượng đạt 527 tỷ đồng. Bình quân một phiên đạt 4,3 triệu CP, với giá trị chuyển nhượng đạt 48 tỷ đồng, tăng 24,6% về khối lượng và 23,1% về giá trị so với bình quân chung tháng trước.

Bên cạnh đó, hoạt động cấp mã giao dịch trong tháng 9/2014, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) đã cấp được 78 mã số giao dịch cho NĐT nước ngoài (trong đó: 55 cá nhân và 23 tổ chức). Lũy kế từ đầu năm đến nay, VSD đã cấp được 638 mã (trong đó: 404 cá nhân và 234 tổ chức), đưa tổng số mã mà VSD đã cấp được cho các NĐT nước ngoài đạt 17.369 mã số giao dịch (trong đó: 14.865 cá nhân, 2504 tổ chức). Trong tháng 9/2014, số tài khoản giao dịch của các nhà đầu tư được cấp mới đạt 9.266 tài khoản (trong đó: cá nhân trong nước 8.946; tổ chức trong nước 87; cá nhân nước ngoài 84; tổ chức nước ngoài 149); lũy kế từ đầu năm, số tài khoản được cấp mới đạt 88.862, tăng 70% so với cùng kỳ năm trước, đưa tổng số tài khoản giao dịch hiện có của các NĐT lên gần 1,4 triệu tài khoản.

Bên cạnh các vấn đề kinh tế, trong tháng 10, Báo cáo cũng cho biết thông tin liên quan đến vấn đề xã hội như: trật tự xã hội, an toàn giao thông, phạm pháp kinh tế, hình sự.

Theo số liệu tổng hợp từ công an Thành phố, trong tháng Chín, toàn thành phố đã xảy ra 173 vụ tai nạn giao thông, tăng 10,9% so cùng kỳ; làm 61 người bị chết (tăng 48,8%) và 163 người bị thương (giảm 7,4%).  Cũng trong tháng này, công an thành phố đã phát hiện 497 vụ phạm pháp hình sự, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó số vụ do công an khám phá được 382 vụ, giảm 16%, với số đối tượng vi phạm bị bắt, giữ theo luật 642 người, giảm 35,9%. Ngoài ra, công an đã phát hiện 207 vụ phạm pháp kinh tế, tăng 25,5% so cùng kỳ, với số đối tượng phạm pháp 217 người, tăng 14,8% và  45 vụ cờ bạc, giảm 38,4% so cùng kỳ, với 214 đối tượng bị bắt giữ, giảm 45,8%.

Cộng dồn từ đầu năm đến hết tháng Chín, toàn Thành phố đã xảy ra 1467 vụ tai nạn giao thông, giảm 0,9% so cùng kỳ năm trước, làm 472 người bị chết, tăng 10,5%; 1364 người bị thương, tăng 1%. Lực lượng công an Thành phố đã phát hiện 1.646 vụ phạm pháp kinh tế, giảm 0,1% so cùng kỳ, số đối tượng phạm pháp là 1.765 người, giảm 5,2%; phát hiện 4.300 vụ phạm pháp hình sự, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước; số vụ công an khám phá được gần 79% (3.388 vụ), tăng 0,3%, với số đối tượng vi phạm bị bắt, giữ theo luật 6.405 người, giảm 1,6% và phát hiện 922 vụ cờ bạc, tăng 4,7% so cùng kỳ, với 3.177 đối tượng bị bắt giữ, giảm 29,9%.


Như Hoa (Theo Cục Thống kê Hà Nội)


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         Lấy lại mã bảo mật