Tình hình kinh tế - xã hội tháng Hai năm 2008 (00:00 12/03/2008)


1. Sản xuất công nghiệp: Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội tháng Hai năm 2008 tăng 20,3% so cùng kỳ năm trước, trong đó kinh tế Nhà nước tăng 5,3% (kinh tế Nhà nước Trung ương tăng 4%, kinh tế Nhà nước Địa phương tăng 9,1%), kinh tế ngoài Nhà nước tăng 14,9%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 39,1%.



Dự kiến hai tháng đầu năm 2008, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội tăng 18,8% so cùng kỳ năm trước, trong đó kinh tế Nhà nước tăng 5,8% (kinh tế Nhà nước Trung ương tăng 4,9%, kinh tế Nhà nước Địa phương tăng 8,3%), kinh tế ngoài Nhà nước tăng 17,1% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 32,3%.

a, Sản xuất công nghiệp Nhà nước Trung ương:

Giá trị sản xuất công nghiệp Nhà nước Trung ương tháng Hai năm 2008 tăng 4% so cùng kỳ năm trước với 12/20 ngành sản xuất tăng, trong đó một số ngành sản xuất tăng khá: sản xuất thuốc lá (tăng 23,2%), xuất bản, in (tăng 53,6%), sản xuất tivi, thiết bị thông tin (tăng 30,4%), sản xuất xe có động cơ (tăng 40,1%), sản xuất giường tủ đồ khác (tăng 51,1%)… 8/20 ngành sản xuất giảm, trong đó một số ngành giảm lớn: sản xuất hoá chất (giảm 42,2%), chế tạo thiết bị máy móc (giảm 22,6%), sản xuất dụng cụ chính xác (giảm 45%) và sản xuất phương tiện vận tải khác (giảm 46,5%).

Dự kiến hai tháng đầu năm 2008, giá trị sản xuất công nghiệp Nhà nước Trung ương tăng 4,9% so cùng kỳ năm trước.

b, Sản xuất công nghiệp Nhà nước Địa phương:

Giá trị sản xuất công nghiệp Nhà nước Địa phương tháng Hai năm 2008 giảm 16,4% so tháng trước và tăng 9,1% so cùng kỳ năm trước, nguyên nhân do tháng Hai là tháng vào dịp trong và sau tết Nguyên đán, sản xuất mang tính chất cầm chừng và có nhiều thời gian nghỉ không sản xuất.

Dự kiến hai tháng đầu năm 2008, giá trị sản xuất công nghiệp Nhà nước Địa phương tăng 8,3% so cùng kỳ năm trước với 14/17 ngành sản xuất tăng, trong đó một số ngành sản xuất tăng khá: chế biến thực phẩm (tăng 13,5%), xuất bản, in (tăng 13,7%), sản xuất các sản phẩm từ kim loại (tăng 16,7%), sản xuất giường tủ đồ khác (tăng 12,8%)… 3/17 ngành sản xuất giảm là: sản xuất trang phục (giảm 0,5%), sản xuất kim loại (giảm 8,7%) và sản xuất tivi thiết bị thông tin (giảm 40,7%).

c, Sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước:

Giá trị sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước tháng Hai năm 2008 giảm 27,1% so tháng trước và tăng 14,9% so cùng kỳ năm trước.

Dự kiến hai tháng đầu năm 2008, giá trị sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước tăng 17,1% so cùng kỳ năm trước, trong đó Công ty TNHH tư nhân tăng 16,9%, Công ty cổ phần khác tăng 20,3%, doanh nghiệp tư nhân 28,1%, hợp tác xã tăng 3,5% và hộ sản xuất cá thể tăng 5,3%. So cùng kỳ năm trước, sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước tăng cao do số lượng doanh nghiệp mới thành lập đi vào hoạt động sản xuất tăng và một số doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hoá có vốn Nhà nước chi phối nhỏ hơn 50% chuyển sang thành phần kinh tế ngoài Nhà nước.

d, Sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài:

Giá trị sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tháng Hai năm 2008 giảm 13,6% so tháng trước và tăng 39,1% so cùng kỳ năm trước.

Dự kiến hai tháng đầu năm 2008, giá trị sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 32,3% so cùng kỳ năm trước với 16/19 ngành sản xuất tăng, trong đó nhiều ngành sản xuất tăng khá: sản xuất trang phục (tăng 235,4%), sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (tăng 170,8%), sản xuất cao su plastic (tăng 193,1%), sản xuất sản phẩm bằng kim loại (tăng 135,6%), chế tạo thiết bị máy móc (tăng 277,4%), sản xuất giường tủ đồ khác (tăng 109,1%)… 3/19 ngành sản xuất giảm là: chế biến thực phẩm (giảm 13%), chế biến gỗ lâm sản (giảm 6%), sản xuất khoáng phi kim loại (giảm 39,2%).

2. Xây dựng cơ bản:

Vốn đầu tư xây dựng cơ bản ngân sách Nhà nước địa phương tháng Hai năm 2008 ước đạt 450 tỷ đồng, giảm 25,4% so tháng trước và tăng 34,3% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến 2 tháng đầu năm đạt 1050,3 tỷ đồng , đạt 16,2% kế hoạch năm.

Tình hình thực hiện một số dự án lớn của Thành phố trong năm 2007:

* Nút giao thông Kim Liên:

- Hiện các đơn vị đã thi công hoàn thành trên 30% khối lượng công việc, Ban quản lý các dự án Trọng điểm đang chỉ đạo nhà thầu tập trung huy động nhân lực, thiết bị để bù lại thời gian chậm so với tiến độ ban đầu. Tuy nhiên, việc vướng mắc GPMB 8 hộ dân bán quần áo (phía Đào Duy Anh) ảnh hưởng tới công tác phân luồng tổ chức thi công hầm xe cơ giới.

- Công tác GPMB: UBND Thành phố đã có công văn số 88/UBND-ĐCNN ngày 7/1/2008 cho phép thu hồi đất xây dựng đường Kim Liên — Trung Tự trước đây để tổ chức thực hiện GPMB thu hồi khoảng 1000m2 đất tại phường Kim Liên để phục vụ xây dựng nút giao thông Kim Liên và hoàn chỉnh tuyến đường Kim Liên - Phạm Ngọc Thạch.

* Đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa:

- Ban quản lý các dự án Trọng Điểm đã chỉ đạo Nhà thầu Tổng công ty xây dựng Trường Sơn tập trung triển khai thi công phần còn lại của tuyến đường Kim Liên — Ô Chợ Dừa (88m đầu bên phải tuyến khu vực Đàn Xã Tắc) theo thiết kế điều chỉnh được duyệt, đã hoàn thành thông xe vào ngày 28/1/2008 phục vụ đảm bảo an toàn giao thông khu vực.

- Ban quản lý sẽ chỉ đạo Nhà thầu thi công phần bên trái tuyến (rộng 14,5m), phân luồng giao thông cho tuyến đường bên phải tuyến, hoàn chỉnh thảm mịn vuốt nối của tuyến đường Kim Liên — Ô Chợ Dừa với đường Nguyễn Lương Bằng và nút Ô Chợ Dừa xong trước 30/4/2008.

* Dự án đường Ô Chợ Dừa — Hoàng Cầu

Ban quản lý dự án đang hoàn chỉnh báo cáo dự án theo thông báo thẩm định, dự kiến trình Thành phố phê duyệt dự án trong quý I/2008 để triển khai các thủ tục tiếp theo (GPMB thu hồi đất, lập thiết kế kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu thi công), phấn đấu khởi công công trình dịp 10/10/2008 và hoàn thành dự án trong quý I/2010 hướng tới chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và góp phần liên thông tuyến đường Vành đai I phát huy hiệu quả đầu tư toàn tuyến.

* Dự án Cầu Vĩnh Tuy:

- Hạng mục thi công cầu dẫn và nút giao phía Vĩnh Tuy :Hạng mục này do nhà thầu Cienco4 đảm nhiệm gồm CV1A, CV1B, CV1C và phần cầu dẫn từ trụ mố M1 (TL+HL) đến trụ T16 (TL+HL). Đến nay, khối lượng công việc của nhà thầu vẫn được tiến hành theo đúng tiến độ đề ra và đã hoàn thành được 12/16 mố, đối với nhánh CV1A đã hoàn thành được 4/6 nhịp và 1 nhịp nối vào cầu chính, phấn đấu hoàn thiện phục vụ thông xe kỹ thuật toàn bộ nút giao thông Nguyễn Khoái vào dịp 30/4 và 1/5.

- Hạng mục thi công phần cầu chính vượt sông (gồm 6x135m+2x90m):

Hạng mục này do 2 nhà thầu thi công đó là Cienco1 và Tổng công ty xây dựng Thăng Long đảm nhiệm. Do biến động của giá thép và ảnh hưởng của dịp tết nguyên đán Mậu Tý nên việc thi công hai khối KT17 và KT25 chưa thể hoàn thành theo kế hoạch đề ra và dự kiến sẽ hoàn thành chậm nhất hai khối này vào ngày 30/2. Dự kiến, tiến hành hợp long toàn bộ 8/8 mối vào ngày 30/3, chậm nhất là ngày 15/4 (kế hoạch trước đây là giữa tháng Hai/2008).

- Hạng mục thi công phần cầu dẫn phía Bắc (gồm 44 nhịp 40m dầm Supper T; 3 nhịp đúc hẫng 55m+90m+55m và 6 nhịp 35m dầm hộp đúc trên đà giáo): Hạng mục này do 3 nhà thầu thi công (Cienco 1; Cienco6; Tổng công ty xây dựng Thăng Long) đến nay đã hoàn thành được 41/44 nhịp dầm SuperT và dự kiến từ 25/2 đến 30/2 sẽ hoàn thành 3/3 nhịp đúc hẫng vượt đê Tả sông Hồng. Riêng phần dầm hộp đúc trên đà giáo do nhà thầu Cienco1 đảm nhiệm đã hoàn thành được 5/6 nhịp.

- Phần đường dẫn phía Long Biên:Do hai nhà thầu CIENCO 1 và UDIC thi công hiện công tác thi công xử lý nền đất yếu vẫn đang được tiến hành. Đối với tuyến chính đoạn từ đầu cầu đến ngã ba đi Long Biên - Thạch Bàn đơn vị thi công vẫn chưa nhận được mặt bằng đoạn qua hai Công ty X20 và X26 hiện đoạn này đang được Công ty 319 (Bộ Quốc phòng) phá dỡ để bàn giao mặt bằng.

* Dự án đường 5 kéo dài:

- Gói thầu xây lắp phần đường: gồm 7 gói thầu chính hiện vẫn đang được các nhà thầu triển khai đồng bộ. Tuy nhiên, công tác GPMB vẫn còn vướng ở một số nơi như: gói thầu số 7 (Km3+720 - Km 5+600); gói thầu số 8 vướng mặt bằng đầu và cuối tuyến; gói thầu số 9 vướng mặt bằng bị dân cản trở gồm cả những vị trí đã được thi công đào đắp.

- Các gói thầu xây lắp phần cầu (Cầu Đông Trù): được chia làm 03 gói thầu xây lắp chính (gói thầu số 12; 13; 14) hiện vẫn đang được các nhà thầu triển khai thi công. Riêng gói thầu số 12 hiện vẫn đang còn vướng mắc 74 hộ dân chờ tái định cư nên tiến độ thi công dầm cầu bị chậm lại.

3. Thương mại dịch vụ:

a) Nội thương: Tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn Hà Nội tháng Hai năm 2008 tăng 3,2% so tháng trước và tăng 21,8% so cùng kỳ năm trước, trong đó bán lẻ tăng tương ứng 4,8% và 29,1%. Thị trường Hà Nội rất sôi động vào những ngày giáp Tết (từ 1 đến 6 tháng 2 năm 2008), mặc dù giá cả tăng cao nhưng sức mua rất lớn, lượng hàng hoá bán ra tăng đột biến. Sau Tết nguyên đán, do thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài, đàn gia súc bị thiệt hại, rau, màu sinh trưởng chậm, hàng hoá lưu thông chưa trở lại bình thường nên lượng hàng bán ra, nhất là thực phẩm tươi sống, rau tươi có phần thiếu hụt làm giá cả tăng nhiều. Từ ngày mồng 10 Tết (15/2/2008) giá cả đã giảm xuống, nhưng theo dự đoán phải sau rằm tháng giêng thị trường mới trở lại bình thường.

Dự kiến 2 tháng đầu năm, tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn Hà Nội tăng 23,2% so cùng kỳ năm trước, trong đó bán lẻ tăng 30,4%.

b)Ngoại thương: Tháng Hai năm 2008 so tháng trước, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Thành phố Hà Nội giảm 3,8%, trong đó xuất khẩu địa phương giảm 4,2%. Kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn giảm 3,2%, trong đó nhập khẩu địa phương giảm 3,7%. Nguyên nhân giảm, do tháng Hai là tháng có Tết nguyên đán, thị trường XNK diễn ra không bằng các tháng khác trong năm.

Dự kiến 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Thành phố Hà Nội tăng 26% so cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu địa phương tăng 39,4%. Kim ngạch nhập khẩu tăng 33,7%, trong đó, nhập khẩu địa phương tăng 29,8%.

c) Giá cả thị trường: Chỉ số giá tiêu dùng tháng Hai năm 2008 tăng 3,92% so tháng trước. Giá các loại hàng hoá đều tăng theo xu hướng các tháng có Tết nguyên đán. Nhóm hàng ăn uống tăng cao nhất (tăng 7,15%), giá cả tăng mạnh nhất là các mặt hàng thực phẩm tươi sống: thịt gà, thịt bò, cá, rau các loại… Hàng đồ uống và thuốc lá giảm nhẹ so tháng trước (giảm 0,2%) do thời tiết rét đậm làm nhu cầu tiêu dùng mặt hàng này không tăng cao. Giá dịch vụ trong dịp Tết nguyên đán tăng mạnh. Giá vàng biến động tăng lớn (tăng 7,17% so tháng trước) và có mức giá cao nhất từ trước tới nay phổ biến là 1.750 ngàn đồng /1 chỉ vàng 99,99. Giá đô la Mỹ tăng nhẹ (tăng 0,05% so tháng trước) với mức giá phổ biến là 16.050 đồng /1 đô la Mỹ.

d) Vận tải:Tháng Hai năm 2008 so tháng trước, khối lượng hàng hoá vận chuyển tăng 0,6%, khối lượng hàng hoá luân chuyển tăng 0,6%, doanh thu vận chuyển hàng hoá tăng 0,7%. Khối lượng hành khách vận chuyển giảm 3,5%, khối lượng hành khách luân chuyển giảm 3,3%, doanh thu vận chuyển hành khách tăng 0,5%.

Dự kiến 2 tháng đầu năm 2008 so cùng kỳ năm trước, khối lượng hàng hoá vận chuyển tăng 5,8%, khối lượng hàng hoá luân chuyển tăng 10,6%, doanh thu vận chuyển hàng hoá tăng 27,7%, khối lượng hành khách vận chuyển tăng 15%, khối lượng hành khách luân chuyển tăng 15,5%, doanh thu vận chuyển hành khách tăng 22,1%.

Vào dịp Tết nguyên đán Mậu Tý, công ty quản lý bến xe Hà Nội đã chuẩn bị xe, tăng cường xe nên không xảy ra tình trạng tồn đọng khách trong ngày kể cả trước, trong và sau Tết.

e) Bưu chính, viễn thông:

- Bưu chính: Tháng Hai năm 2008 so tháng trước, doanh thu bưu chính giảm 8,5%, bưu phẩm chuyển phát nhanh giảm 4,1%. Hai tháng đầu năm 2008, doanh thu bưu chính tăng 15,1% so cùng kỳ năm trước.

- Viễn thông: Doanh thu viễn thông tháng Hai năm 2008 giảm 3,8% so tháng trước với số thuê bao Internet phát triển mới giảm 8,9% và số điện thoại thu cước phát triển mới tăng 1,4%. Hai tháng đầu năm, doanh thu viễn thông tăng 13,3% so cùng kỳ năm trước.

4. Sản xuất nông nghiệp:

* Vụ đông 2007 - 2008: Tổng diện tích gieo trồng vụ Đông ước đạt 11862 ha, tăng 5,5% so cùng kỳ năm trước (tăng 618 ha). Đến nay, các quận, huyện đã cơ bản thu hoạch xong cây trồng vụ đông để gieo trồng vụ xuân. Ước tính diện tích, năng suất một số cây trồng như sau: Ngô 6610 ha (tăng 10,2% so cùng kỳ), năng suất 30,35 tạ/ha (tăng 5,3%); Khoai lang 1305 ha (tăng 16,2%), năng suất 66,77 tạ/ha (giảm 0,3%); Đỗ tương 340 ha (giảm 15,4%), năng suất 10,86 tạ/ha (tăng 2,1%); Lạc 378 ha (tăng 48,6%), năng suất 10,94 tạ/ha (tăng 8,7%); Rau các loại 2915 ha (giảm 3%), năng suất 175,46 tạ/ha (tăng 6,8%).

* Sản xuất vụ xuân 2008: Toàn thành phố đã gieo được 1610 ha mạ, so dự kiến đạt 84%. Do từ cuối tháng Một đến nay, thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài làm chết 474 ha mạ ở hầu hết các huyện, quận; Hiện, bà con nông dân đang chuẩn bị giống để gieo bổ sung những diện tích mạ còn thiếu, những diện tích mạ, lúa đã cấy bị chết và chăm sóc những diện tích mạ còn sống để khi thời tiết ấm lên tập trung cấy ngay cho kịp khung thời vụ.

Toàn thành đã gieo cấy được 1600 ha, đạt 8,3% kế hoạch, bằng 24% so cùng kỳ năm trước (tập trung ở huyện Sóc Sơn và Đông Anh), 5095 ha rau màu, bằng 83% so cùng kỳ năm trước, trong đó ngô 1345 ha, rau 1689 ha, lạc 990 ha, đỗ tương 90 ha, hoa 683 ha. Dịp tết nguyên đán năm nay do thời tiết không thuận nên nhiều diện tích hoa, đào, quất không kịp thu hoạch: Quận Tây Hồ chỉ tiêu thụ được 37% (43,5 ha) diện tích cây đào, 88% (19,4 ha) diện tích cây quất và 40% (4ha) diện tích trồng hoa.

* Trồng cây dịp tết nguyên đán Mậu Tý: Thực hiện phong trào “Tết trồng cây xuân Mậu Tý — 2008”, thành phố đề ra mục tiêu trồng trên 100 ngàn cây xanh phân tán và tre chắn sóng bảo vệ đê; chăm sóc quản lý bảo vệ diện tích rừng tập trung hiện có và chủ động phòng chữa cháy rừng có hiệu quả. Các quận huyện, sở ban ngành liên quan đã chỉ đạo, đôn đốc, tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương chuẩn bị vật tư, cây giống, kỹ thuật, địa điểm để thực hiện ra quân ngay từ những ngày đầu năm mới.

* Chăn nuôi, thuỷ sản: Chăn nuôi vẫn ổn định, chưa phát hiện trường hợp cúm gia cầm nào xảy ra. Các huyện ngoại thành đang tích cực tiêm phòng cho đàn gia súc và phun tiêu độc vệ sinh chuồng trại cho đàn gia cầm. Hiện nay, giá bán các sản phẩm gia súc, gia cầm và thuỷ sản đang tăng mạnh. Dịp tết nguyên đán Mậu Tý, số lợn giết mổ ước tính là 49379 con (giảm 1,24% so cùng kỳ năm trước) với sản lượng thịt hơi là 3348 tấn (giảm 1%). Ước tính đàn lợn có mặt sau Tết là 312093 con. Các hộ, trang trại chăn nuôi thuỷ sản đang tiếp tục chăm sóc, thu hoạch sản phẩm và cải tạo ao hồ chuẩn bị cho mùa nuôi mới.

5. Các vấn đề xã hội:

* Trật tự an toàn giao thông: Tháng Một năm 2008, trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã phát hiện và xảy ra 318 vụ phạm pháp hình sự (giảm 26% so cùng kỳ năm trước) với 425 đối tượng bị bắt giữ theo luật (tăng 3,6%). Tổng số vụ buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ma tuý là 299 vụ (tăng 2,2 lần so cùng kỳ năm trước) bắt giữ 357 đối tượng (tăng 2,2 lần)

Số vụ tai nạn giao thông xảy ra là 52 vụ (giảm 16% so cùng kỳ năm trước) làm chết 32 người (giảm 13%) và làm bị thương 21 người (giảm 34%). Xảy ra 10 vụ cháy nổ làm 1 người chết, 2 người bị thương và thiệt hại tài sản trị giá khoảng 151 triệu đồng.

* Tình hình tổ chức đón Tết Mậu Tý 2008:

- Hoạt động VHTT - TDTT và lễ hội dịp Tết nguyên đán Mậu Tý 2008 được chuẩn bị chu đáo với các hoạt động trọng tâm là trang trí, tuyên truyền, cổ động, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật… tạo không khí vui tươi phấn khởi trong dịp Xuân mới. Đêm giao thừa, Thành phố Hà Nội tổ chức bắn pháo hoa tại 10 điểm ở nội thành và các huyện Thanh trì, Sóc Sơn, Đông Anh. Ngành giao thông công chính Hà Nội tổ chức trang trí chiếu sáng, hoa cây cảnh ở khu vực trung tâm, các khu tập trung vui chơi giải trí, các điểm di tích lịch sử, tham quan du lịch, các vườn hoa công viên, bến tàu, xe… đảm bảo chiếu sáng 99% trên các tuyến phố chính và 97% các khu vực khác.

- Công tác thăm hỏi, trợ cấp, giúp đỡ các đối tượng chính sách, đối tượng khó khăn và các đối tượng khác trong dịp Tết nguyên đán được tổ chức chu đáo: Chuẩn bị quà để lãnh đạo Thành Uỷ - HĐND - UBND Thành phố chúc Tết các lão thành Cách mạng, lãnh đạo Thành phố qua các thời kỳ, 30 gia đình chính sách, 28 đơn vị sản xuất kinh doanh của thương bệnh binh, người tàn tật. Tổ chức chuyển quà tới 3 đơn vị nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng, 10 đơn vị nuôi dưỡng tập trung đối tượng bảo trợ xã hội, 7 trung tâm giáo dục lao động xã hội, quản lý dạy nghề và giải quyết việc làm… Thành phố chỉ đạo các phòng LĐTBXH 14 quận huyện thực hiện tốt việc chuyển quà của Chủ tịch nước, của UBND Thành phố cho người có công, chủ động phối hợp với các hội, đoàn thể, tích cực vận động để chăm lo Tết cho người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội. UBND Thành phố có quyết định trích ngân sách Thành phố 41,3 tỷ đồng tặng quà Tết cho người có công, CBCNV nghỉ hưu, mất sức, các cơ sở sản xuất kinh doanh của thương bệnh binh, người tàn tật, hỗ trợ tiền ăn thêm trong dịp Tết cho đối tượng xã hội đang được chữa trị và nuôi dưỡng. Trích 2,41 tỷ đồng từ ngân sách Thành phố tặng cho 16.083 hộ nghèo của Thành phố với mức 150.000 đ/1 hộ. Hoàn thành chi trả trợ cấp ưu đãi cho người có công toàn thành phố tháng Một và Hai năm 2008 theo Nghị định mới của Chính phủ cho gần 42 ngàn người có công với số tiền là 49 tỷ đồng.

- Bảo đảm tốt trật tự trị an và an toàn giao thông dịp Tết nguyên đán: UBND thành phố chỉ đạo Công an Thành phố phối hợp với Thanh tra giao thông bảo đảm an ninh trật tự tại các điểm bắn pháo hoa, tăng cường tuần tra canh gác 24/24 giờ, bảo vệ an toàn các cơ quan Trung ương, Thành phố, các mục tiêu trọng điểm, các khu vực tập trung đông người, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, ngăn ngừa các hành vi phạm pháp, phòng chống cháy nổ, đua xe máy, tệ nạn cờ bạc… Từ ngày 30 Tết đến mồng 4 Tết, trên địa bàn Thành phố không xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng; cảnh sát giao thông phân luồng, hạn chế tối đa tai nạn, ùn tắc trong các ngày trước, trong và sau Tết; tuyên truyền và xử lý việc không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông trên mô tô, xe máy; các cơ quan trên địa bàn Thành phố đều phân công trực Tết để nắm thông tin và xử lý công việc đột xuất.

- Công tác y tế, phòng chống dịch bệnh, phòng chống ngộ độc thực phẩm được chú trọng trong dịp Tết nguyên đán Mậu Tý: kế hoạch về đảm bảo công tác y tế phục vụ các hoạt động VHNT, TDTT mừng xuân Mậu Tý; triển khai công tác đảm bảo VSATTP phục vụ Tết dương lịch và Tết nguyên đán Mậu Tý. Các ngành chức năng của Thành phố cùng với các cấp chính quyền địa phương tăng cường công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh phòng chống dịch bệnh, VSATTP, kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm về VSATTP. Tổ chức tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng bệnh, giữ gìn vệ sinh ăn uống, không để xảy ra ngộ độc thức ăn tập thể, kiểm tra vệ sinh môi trường phòng chống dịch cúm gia cầm, dập tắt ngay các ổ bệnh. Công tác y tế dự phòng được chuẩn bị chu đáo, tổ chức trực dịch 24/24 giờ trong dịp nghỉ Tết nguyên đán, tăng cường kiểm dịch tại cửa khẩu quốc tế Nội Bài, thực hiện giám sát các chuyến bay, đo kiểm tra thân nhiệt 100% khách nhập cảnh theo quy định.

- Công tác Vệ sinh môi trường trong những ngày Tết nguyên đán luôn phong quang, sáng sạch, không bụi… Phát động nhân dân tổng vệ sinh vào các ngày 12/1, 26/1 và 2/2/2008. Có kế hoạch thu gom và vận chuyển 100% rác thải không để tồn đọng trong ngày.

6. Tín dụng, ngân hàng:

Dự kiến đến cuối tháng Hai năm 2008, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội đạt 382.239 tỷ đồng, tăng 1,61% so tháng trước và tăng 3,57% so cuối năm 2007, trong đó tiền gửi dân cư tăng 1,55% và 3,26%, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng 1,65% và 3,78%. Tổng dư nợ cho vay tháng 2 đạt 120.207 tỷ đồng, tăng 1,57% so tháng trước và tăng 3,81% so cuối năm 2007, trong đó dư nợ ngắn hạn tăng 1,61% và 3,85%, dư nợ trung và dài hạn tăng 1,52% và 3,74%.


thang 2 nam 2008.xls



Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         Lấy lại mã bảo mật