Tình hình KTXH tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2005 (00:00 20/04/2005)


1. Sản xuất công nghiệp: Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn Hà Nội tháng Tư năm 2005 bằng 96,5% so tháng trước, trong đó kinh tế nhà nước tăng 7,0% (kinh tế trung ương tăng 7,5%, kinh tế nhà nước địa phương tăng 5,1%), kinh tế ngoài nhà nước tăng 4,7%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 16,1%.



1. Sản xuất công nghiệp

Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn Hà Nội tháng Tư năm 2005 bằng 96,5% so tháng trước, trong đó kinh tế nhà nước tăng 7,0% (kinh tế trung ương tăng 7,5%, kinh tế nhà nước địa phương tăng 5,1%), kinh tế ngoài nhà nước tăng 4,7%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 16,1%.

Dự kiến 4 tháng năm 2005, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng 24,4% so với cùng kỳ, trong đó kinh tế nhà nước tăng 11,8% (kinh tế nhà nước trung ương tăng 10,9%, kinh tế nhà nước địa phương tăng 15,3%), kinh tế ngoài nhà nước tăng 19,2%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 47,6%.

a) Giá trị sản xuất công nghiệp trung ương: tháng Tư năm 2005 tăng 7,5% so tháng trước, trong đó có một số ngành tăng khá như chế biến thực phẩm tăng 9,3%, chế tạo máy móc thiết bị tăng 11,4%, sản xuất thiết bị điện tăng 8,0%, sản xuất xe có động cơ tăng 13,3%.

4 tháng đầu năm nay, sản xuất công nghiệp trung ương tăng 10,9% so với cùng kỳ với 17/22 ngành tăng, trong đó các ngành chiếm tỷ trọng lớn đều đạt mức tăng trên 20% như chế biến thực phẩm tăng 26,3%, sản xuất trang phục tăng 20,2%, xuất bản, in tăng 19,1%, sản xuất xe có động cơ tăng 42,2%. Các doanh nghiệp dệt, da giầy, hoá chất, cao su, nhựa chịu tác động đáng kể của việc tăng giá vật tư đầu vào, song sản xuất vẫn duy trì được ở mức độ khá so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp cơ khí, sản xuất thiết bị điện, điện tử, sản xuất xe có động cơ mặc dù 4 tháng đầu năm nay không có nhiều thuận lợi so với cùng kỳ, song do chú trọng mở rộng thị trường nên sản xuất không bị sút giảm, nhiều sản phẩm chủ yếu của khu vực kinh tế này như động cơ điện, biến thế điện, lắp ráp ô tô, xe máy tiếp tục tiêu thụ tốt.

b) Sản xuất công nghiệp Nhà nước địa phương: tháng Tư tăng 5,2% so tháng trước trong đó sản xuất trang phục tăng 13,8%, thuộc da, sơ chế da tăng 11,4%, sản xuất các sản phẩm từ cao su, plastic tăng 15,7%, sản xuất chất khoáng phi kim loại tăng 46,4%.

4 tháng đầu năm nay, sản xuất công nghiệp nhà nước địa phương tăng 15,3% so cùng kỳ, trong đó sản xuất sản phẩm từ kim loại tăng 18,1%, chế tạo máy móc thiết bị tăng 37,7%, sản xuất thiết bị điện tăng 44,4%, sản xuất ti vi, TB thông tin tăng 40,7%. Một số đơn vị sản xuất tăng khá: Công ty Cơ điện Trần Phú tăng 45,3%, Công ty Kim khí Thăng Long tăng 56,4%, Công ty Xích líp Đông Anh tăng 69,6%. Tuy nhiên cũng còn có một số đơn vị đang gặp khó khăn, sản xuất giảm nhiều như: Công ty Dệt Kim Thăng Long sản xuất chỉ đạt bằng 69,0%, công ty cao su Hà Nội đạt 74%, Công ty nước giải khát Trường Xuân bằng 84% so cùng kỳ.

c/ Sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước: tháng Tư năm 2005 tăng 4,7% so tháng trước, trong đó Công ty TNHH tư nhân tăng 5,1%, Công ty cổ phần tăng 4,8%, Doanh nghiệp tư nhân tăng 6,5%, Kinh tế hợp tác xã tăng 3,8% và Kinh tế cá thể tăng 4,7%.

Dự kiến 4 tháng năm 2005 sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước tăng 19,2% trong đó Công ty TNHH tư nhân tăng 19,8%, Công ty cổ phần tăng 26,8%, Doanh nghiệp tư nhân tăng 16,8%, Kinh tế hợp tác xã tăng 10,0% và Kinh tế cá thể tăng 9,6%. Có 13/14 quận, huyện sản xuất đều tăng theo xu hướng chung do có ngày càng nhiều các đơn vị được thành lập mới đi vào sản xuất (riêng quận Tây Hồ sản xuất giảm là do một số đơn vị lớn đã chuyển địa điểm sản xuất sang địa bàn khác). Bên cạnh đó, khu vực các doanh nghiệp nhà nước mới cổ phần hoá (vốn nhà nước chiếm dưới 50%) cũng đạt mức tăng khá cao (29,7% so với cùng kỳ).

d/ Sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài: tháng Tư giảm 16,1% so tháng trước. Nguyên nhân là do sản xuất khu vực này phụ thuộc nhiều vào các hợp đồng tiêu thụ, đặc biệt là đối với doanh nghiệp lớn, thị trường tiêu thụ chủ yếu là xuất khẩu.

Dự kiến 4 tháng năm 2005, giá trị sản xuất khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 47,6% so với cùng kỳ. Trong đó sản xuất thiết bị điện tử tăng 38,8%, sản xuất xe có động cơ tăng 91,7%, sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 43,7%. Một số đơn vị lớn của khu vực này như Công ty TNHH Canon Việt Nam; Công ty Sumitomo Bakelite (sản xuất vi mạch xuất khẩu), Công ty đèn hình Orion Hanel.. doanh thu đều tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ.

2. Xây dựng cơ bản

Ước thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản ngân sách nhà nước địa phương tháng Tư năm 2005 đạt 287 tỷ đồng (trong đó xây lắp đạt 126 tỷ đồng, thiết bị đạt 23 tỷ đồng), bằng 92,9% so với tháng trước và bằng 8,7% kế hoạch năm.

Dự kiến trong 4 tháng đầu năm, vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn ngân sách địa phương thực hiện đạt 962 tỷ đồng (trong đó xây lắp đạt 494 tỷ đồng, thiết bị đạt 85 tỷ đồng), tăng 44,0% so với cùng kỳ và bằng 29,3% kế hoạch năm. Nhìn chung kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản 4 tháng đầu năm nay được các nhà thầu và chủ đầu tư tiến hành khẩn trương. Tuy nhiên cũng còn có một số quận huyện chưa phân bổ kế hoạch vốn cho các dự án Thành phố phân cấp và các dự án dùng nguồn vốn đầu giá đất, làm ảnh hưởng đến tiến độ chung.

Tiến độ một số công trình :

- Dự án thoát nước giai đoạn I: Đã hoàn thành phần xây lắp của gói thầu CP12 và chuẩn bị lắp đặt thiết bị cho 2 trạm xử lý nước thải. Gói thầu CP7A do vướng mặt bằng nên chủ đầu tư đang xin hướng giải quyết để đảm bảo thi công theo đúng kế hoạch.

- Giải phóng mặt bằng nút giao thông Ngã Tư Sở : các cơ quan chức năng đã phê duyệt phương án đền bù của 120/147 phương án của bước 2- đợt 2, hiện đang tiến hành chi trả cho các hộ dân và tổ chức bốc thăm nhà tái định cư. Dự kiến công tác giải phóng bước 2 sẽ hoàn thành kịp thời để có thể tổ chức khởi công công trình đúng ngày 30/4.

- Công tác đắp đê, kè cơ bản hoàn thành đúng tiến độ với khối lượng thực hiện đạt 70% khối lượng kế hoạch.

3. Thương mại - Dịch vụ

* Nội thương: Ước tính tổng mức bán ra tháng Tư năm 2005 tăng 0,6% so với tháng trước, trong đó tổng mức bán lẻ tăng 0,5%. Dự kiến 4 tháng tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tăng 23,5% so cùng kì, trong đó bán lẻ tăng 19,6%. Thị trường, giá cả không có biến động lớn, sức mua tiếp tục tăng cao trong 4 tháng đầu năm nay.

* Ngoại thương: kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội tháng Tư ước đạt 217, 5 triệu USD, tăng 1,4% so tháng trước, nhập khẩu đạt 765, 0 triệu USD, tăng 2,2%. Trong đó xuất khẩu địa phương đạt 100, 0 triệu USD, tăng 1,2% và nhập khẩu địa phương đạt 232, 0 triệu USD, tăng 1,6% so tháng trước.

Dự kiến kim ngạch xuất khẩu trên dịa bàn 4 tháng đạt 821, 3 triệu USD, tăng 16,4% so cùng kì năm trước, trong đó xuất khẩu địa phương tăng 28,0%. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có mức tăng trưởng khá cao (40,4%), trong đó riêng công ty Canon sản xuất máy in phun đạt 107 triệu USD, tăng 117,8%. Kim ngạch xuất khẩu nhóm ngành điện tử (khôngkể máy in phun) cũng tăng khá (35,2%). Tuy nhiên các nhóm hàng dệt, may, giày, dép kim ngạch xuất khẩu không tăng do hạn ngạch ít và thị phần bị thu hẹp do bị cạnh tranh bởi hàng Trung quốc. Kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn 4 tháng đạt 2894, 9 triệu USD, tăng 26,1%, trong đó riêng nhập khẩu xăng dầu chiếm xấp xỉ 1/3 và tăng 46,8%.

* Giá cả: Chỉ số giá tiêu dùng tháng Tư năm 2005 tăng 0,3% so tháng trước. Giá các mạt hàng tiêu dùng nhìn chung ổn định và không tăng so tháng trước, tuy nhiên riêng nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng tăng 2,4%, do điều chỉnh giá các mặt hàng như nước sinh hoạt, than, củi, gas.Việc điều chỉnh giá xăng dầu có ảnh hưởng nhất định đối với giá cước vận tải. Chỉ số giá nhóm phương tiện đi lại, bưu điện tăng 1,2% so tháng trước và tăng 2,1% so với tháng 12 năm trước. Giá vàng giảm nhẹ ở mức 0,61% so tháng trước, giá đô la Mĩ tăng 0,04%.

4. Sản xuất nông nghiệp

*Trồng trọt: Đến nay, tổng diện tích gieo trồng vụ Xuân ước đạt 32, 5 nghìn hecta, giảm 2% so cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích lúa đã cấy đạt 20, 9 nghìn ha, diện tích rau màu gieo trồng đạt 11 nghìn ha. Diện tích gieo trồng lúa đạt kế hoạch đề ra, song diện tích rau màu đạt thấp. Từ giữa tháng Ba đến nay đã có mưa nhỏ và thường xuyên, đảm bảo được lượng nước ổn định cho các loại cây trồng phát triển. Tuy nhiên, sâu bệnh và chuột đã xuất hiện rải rác, gây thiệt hại nhẹ (trong đó có 163ha lúa bị bọ trĩ và đạo ôn, 20 ha lúa bị chuột phá).

* Chăn nuôi: Đánh giá sơ bộ từ các quận, huyện cho thấy đàn lợn năm nay phát triển khá do tác động của giá thịt lợn hơi tăng cao so với trước. Ước tính đàn lợn hiện có tăng 4-5% so với cùng kỳ. Đàn gia cầm tăng chậm do ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm. Trong tháng toàn thành phố đã tổ chức tiêm phòng cho trên 39 nghìn con trâu, bò, lợn và các loại vật nuôi khác.

5. Trật tự xã hội và an toàn giao thông

Trong 3 tháng đầu năm 2005 đã phát hiện 1465 vụ phạm pháp hình sự, giảm 5% so cùng kì năm trước. Số đối tượng bị bắt giữ theo luật là 1110 đối tượng, giảm 16% so cùng kỳ.

Tuy nhiên tình hình buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ma tuý trái phép có chiều hướng gia tăng mạnh. Quý I năm 2005, toàn thành phố đã phát hiện 428 vụ, tăng 29% so với cùng kỳ với 619 đối tượng bị bắt giữ, tăng 35% so cùng kỳ.

Trong 3 tháng đầu năm, Hà Nội là một trong số ít các tỉnh, thành phố trong cả nước đã có tiến bộ đáng kể về việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Cả quý, xảy ra 245 vụ tai nạn giao thông, làm chết 94 người, và thương 202 người, giảm 26% về số vụ và 10% về số người so cùng quý năm trước

Cũng trong 3 tháng đầu năm, đã xảy ra 56 vụ cháy nổ, gây thiệt hại về tài sản là 233 triệu đồng, làm chết 4 người.

6. Tín dụng - Tiền mặt

Dự kiến đến cuối tháng Tư năm 2005 tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội tăng 1,02% so tháng trước, trong đó tiền gửi dân cư tăng 1,02%, tiền gửi các tổ chức kinh tế tăng 1,01% so tháng trước. Dư nợ cho vay của các ngân hàng thương mại tháng Tư tăng 1,02% so tháng trước, trong đó dư nợ ngắn hạn tăng 1,01%, dư nợ trung và dài hạn tăng 1,03%.



Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         Lấy lại mã bảo mật