Tình hình nội, ngoại thương của Thủ đô tháng 8/2019 (16:48 29/08/2019)


HNP - Theo Cục Thống kê Hà Nội, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 8 đạt 231 tỷ đồng, tăng 1,6% so tháng trước và tăng 8,8% so cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.788 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 2.340 triệu USD. Ước tính 8 tháng năm 2019, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ đạt 1.789,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4% so cùng kỳ năm trước.


Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 8, chia theo ngành hoạt động như sau: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 29,6 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 9,1% so với cùng kỳ; Khách sạn, nhà hàng đạt 4.900 tỷ đồng. tăng 0,5% và tăng 11,2%; Du lịch lữ hành đạt 960 tỷ đồng, tăng 1,3% và tăng 4,1%; Dịch vụ khác đạt 11,7 nghìn tỷ đồng, tăng 1,1% và tăng 7%.
 
Tính chung 8 tháng năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ ước đạt 363,6 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ, trong đó: Kinh tế Nhà nước chiếm 17,2% tổng mức và tăng 5,5% so với cùng kỳ; Kinh tế ngoài Nhà nước chiếm 77,3% và tăng 12,3%; Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 5,5% và tăng 2,9%. Chia theo ngành kinh tế, doanh thu bán lẻ hàng hóa chiếm 61,4% tổng mức và tăng 13% so cùng kỳ năm trước; khách sạn, nhà hàng chiếm 11% và tăng 11,1%; du lịch lữ hành chiếm 2,1% và tăng 7,4; dịch vụ khác chiếm 25,5% và tăng 5%.
 
Nguyên nhân doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng năm nay tăng cao so với cùng kỳ năm trước do hiện nay hàng hóa trên thị trường đa dạng về mẫu mã, giá cả tương đối ổn định và đảm bảo chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm hàng hóa phục vụ cho người tiêu dùng. Cụ thế, một số ngành hàng có doanh thu tăng cao so với cùng kỳ như: Lương thực, thực phẩm tăng 21,3%; Xăng, dầu tăng 20,8%; Đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 9%.

Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Thành phố tháng 8 tăng 3,3% so tháng trước và tăng 36,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số nhóm hàng xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ: Giảy dép các loại và sản phẩm từ da tăng 81,9%; Hàng gốm sứ tăng 60,4%; Phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 38,4%; Hàng dệt may tăng 25,4%. Bên cạnh đó, một số nhóm hàng xuất khẩu lại giảm như: Hàng nông sản giảm 12,2%; Xăng, dầu giảm 42,7%; Điện thoại và linh kiện giảm 49,8%; Gỗ và sản phẩm từ gỗ giảm 20,7%.

Lũy kế 8 tháng qua, đóng góp nhiều nhất vào tăng kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ là nhóm linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi tăng 6,5%; hàng dệt, may tăng 18,6%; máy móc, thiết bị, phụ tùng tăng 4,9%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 26,8%. Riêng 3 nhóm hàng xuất khẩu giảm là: hàng nông sản  giảm 23,3%; thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh giảm 1,9%; gỗ và sản phẩm từ gỗ giảm 6,2%.

Tháng 8, kim ngạch nhập khẩu tăng 5,4% so tháng trước và giảm 10,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 5,7% và giảm 15,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 4,6% và tăng 10,4%. Trong tháng, một số mặt hàng nhập khẩu tăng cao so cùng kỳ: Phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 90,2%; Hàng điện gia dụng và linh kiện tăng 71,7%; Sản phẩm hóa chất tăng 49,7%…

Tính chung 8 tháng, kim ngạch nhập khẩu tăng 1% so với cùng kỳ năm trước, có 8/14 nhóm hàng kim ngạch nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2018, trong đó: Máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện tăng 30,9%; Phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 74,4%; Hàng điện gia dụng và linh kiện tăng 22,5%...Và 6/14 nhóm hàng kim ngạch nhập khẩu giảm là: Xăng dầu giảm 32,2%; Thức ăn gia súc giảm 4,1%; Ngô giảm 3%; Sắt thép giảm 2,5%; Chất dẻo giảm 1%;  Ngô giảm 3%; Hàng hóa khác giảm 4,7%.

 


Hải Vân


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         Lấy lại mã bảo mật