Tình hình kinh tế xã hội tháng 4 năm 2007 (00:00 22/06/2007)


1. Sản xuất công nghiệp Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội tháng Tư năm 2007 tăng 2,9% so tháng trước, trong đó kinh tế Nhà nước tăng 3,4% (kinh tế Nhà nước Trung ương tăng 2,2%, kinh tế Nhà nước Địa phương tăng 7,1%), kinh tế ngoài Nhà nước tăng 3,3% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 2,4%.



 

1. Sản xuất công nghiệp

Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội tháng Tư năm 2007 tăng 2,9% so tháng trước, trong đó kinh tế Nhà nước tăng 3,4% (kinh tế Nhà nước Trung ương tăng 2,2%, kinh tế Nhà nước Địa phương tăng 7,1%), kinh tế ngoài Nhà nước tăng 3,3% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 2,4%.

Dự kiến 4 tháng năm 2007, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn Hà Nội tăng 22,8% so cùng kỳ năm 2006 trong đó kinh tế Nhà nước tăng 4,2% (kinh tế Nhà nước Trung ương tăng 3,2%, kinh tế Nhà nước Địa phương tăng 7,5%), kinh tế ngoài Nhà nước tăng 36% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 34,6%.

* Sản xuất công nghiệp trung ương:Giá trị sản xuất công nghiệp Nhà nước Trung ương tháng Tư năm 2007 tăng 2,2% so tháng trước với 19/21 ngành sản xuất tăng, trong đó một số ngành sản xuất tăng khá là: sản xuất đồ da (tăng 16,1%), sản xuất khoáng phi kim loại (tăng 13,8%), chế tạo thiết bị máy móc (tăng 11,1%), sản xuất hoá chất (tăng 8,1%)... 2 ngành sản xuất giảm là chế biến thực phẩm (giảm 10,7%) và công nghiệp dệt (giảm 2%).

Dự kiến 4 tháng năm 2007, giá trị sản xuất công nghiệp Nhà nước Trung ương tăng 3,2% so cùng kỳ năm trước. Có 12/21 ngành sản xuất tăng, trong đó một số ngành sản xuất tăng khá là: sản xuất thuốc lá (tăng 13,2%), sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (tăng 20,2%), sản xuất khoáng phi kim loại (tăng 25,2%), sản xuất ti vi thiết bị thông tin (tăng 14,9%)... 9/21 ngành sản xuất giảm là: sản xuất đồ da (giảm 71,5%), chế biến gỗ, lâm sản (giảm 43,2%), xuất bản in (giảm 0,8%), sản xuất hoá chất (giảm 6,4%), sản xuất sản phẩm bằng kim loại (giảm 14,3%), chế tạo thiết bị máy móc (giảm 24,7%), sản xuất dụng cụ chính xác (giảm 9,9%), sản xuất xe động cơ (giảm 26,5%) và sản xuất giường tủ đồ khác (giảm 1,2%). Các doanh nghiệp đạt tốc độ tăng khá là: Công ty cổ phần Cồn rượu Hà Nội (tăng 11,9%), Công ty Thuốc lá Thăng long (tăng 13,2%), Công ty cổ phần Da giầy Việt Nam (tăng 34,9%), Công ty May 10 (tăng 20,9%), Nhà xuất bản Văn hoá thông tin (tăng 41,2%), Công ty Cao su sao vàng (tăng 18,3%), Công ty Cơ khí Trần Hưng Đạo (tăng 29%), Công ty Du lịch khoan và hoá phẩm dầu khí (tăng 55,9%), Công ty ô tô 3/2 (tăng 34,8%)... Một số doanh nghiệp có quy mô lớn trong 4 tháng đầu năm sản xuất bị giảm do thị trường tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn là: Công ty Dệt 8/3 (giảm 35,6%), Công ty cổ phần Giầy Yên viên (giảm 42,1%), Công ty In và văn hoá phẩm (giảm 48,8%), Công ty Sơn tổng hợp (giảm 25,5%), Công ty ô tô 1/5 (giảm 57,2%)...

* Công nghiệp Nhà nước Địa phương:Giá trị sản xuất công nghiệp Nhà nước Địa phương tháng Tư năm 2007 tăng 7,1% so tháng trước với 17/17 ngành sản xuất đều tăng, trong đó có một số ngành tăng khá: chế biến thực phẩm (tăng 31,1%), sản xuất khoáng phi kim loại (tăng 19,4%), sản xuất kim loại (tăng 20,5%), chế tạo thiết bị máy móc (tăng 24,6%), sản xuất phân phối nước (tăng 15,9%), sản xuất trang phục (tăng 14,6%)...

Dự kiến 4 tháng năm 2007, giá trị sản xuất công nghiệp Nhà nước Địa phương tăng 7,5% so cùng kỳ năm trước với 13/17 ngành sản xuất tăng, trong đó một số ngành sản xuất tăng khá là: sản xuất các sản phẩm từ cao su (tăng 42,6%), sản xuất da (tăng 24,1%), chế biến thực phẩm (tăng 12,4%), xuất bản in (tăng 12%), sản xuất thiết bị điện (tăng 12,8%). 4/17 ngành sản xuất giảm là: khai thác than (giảm 2,9%), công nghiệp dệt (giảm 0,4%), sản xuất khoáng phi kim loại (giảm 75,7%) và sản xuất kim loại (giảm 33,5%). Các doanh nghiệp do chú trọng đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị và bổ sung thêm dây chuyền sản xuất có giá trị sản xuất công nghiệp tăng khá trong 4 tháng đầu năm 2007 là: Công ty Cơ điện Trần Phú (tăng 22,9%), Công ty Cơ khí Thăng long (tăng 42%), Công ty Xích líp Đông anh (tăng 19,6%), Công ty Nhựa Hà nội (tăng 42,2%), Công ty Giầy Ngọc hà (tăng 113%)...

* Công nghiệp ngoài Nhà nước:Giá trị sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước tháng Tư năm 2007 tăng 3,3% so tháng trước, trong đó Công ty TNHH tư nhân tăng 1,3%, Công ty cổ phần tăng 3,8%, doanh nghiệp tư nhân tăng 1,2%, hợp tác xã tăng 13,1% và hộ sản xuất cá thể tăng 5,6%.

Dự kiến 4 tháng năm 2007, giá trị sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước tăng 36% so cùng kỳ năm trước, trong đó: công ty TNHH tư nhân tăng 17,7%, công ty cổ phần tăng 75%, doanh nghiệp tư nhân tăng 17,5%, hợp tác xã tăng 7,3%, hộ sản xuất cá thể tăng 13,7%. Sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước tăng khá trong một số năm gần đây chủ yếu là do nhiều doanh nghiệp thành lập mới đã đi vào hoạt động sản xuất và hàng năm nhiều doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hoá có vốn Nhà nước chi phối nhỏ hơn 50% chuyển sang loại hình này.

* Sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài:Giá trị sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tháng Tư năm 2007 tăng 2,4% so tháng trước và tăng 34,6% so cùng kỳ năm trước.

Dự kiến 4 tháng đầu năm 2007, giá trị sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 34,6% so cùng kỳ năm trước với 15/20 ngành sản xuất tăng, trong đó một số ngành sản xuất tăng khá: sản xuất khoáng phi kim loại (tăng 142,4%), sản xuất cao su platstic (tăng 120%), sản xuất sản phẩm bằng kim loại (tăng 84,9%), sản xuất giường tủ đồ khác (tăng 91,8%), sản xuất da giầy (tăng 82,5%), sản xuất xe có động cơ (tăng 61,5%), sản xuất phương tiện vận tải khác (tăng 46,3%)... 5/20 ngành sản xuất giảm là: sản xuất trang phục (giảm 51,3%), chế biến gỗ lâm sản (giảm 1%), sản xuất kim loại (giảm 31,8%), sản xuất ti vi thiết bị thông tin (giảm 18,4%) và sản xuất dụng cụ chính xác (giảm 2,1%). Các doanh nghiệp có quy mô lớn sản xuất ổn định và đạt tốc độ tăng khá là: Công ty Canon Việt Nam (sản xuất máy in phun), Công ty Yamaha (sản xuất xe máy), Công ty ô tô Việt Nam Daewoo (sản xuất ô tô), Công ty Denho và Công ty Hoyaglassdis (sản xuất đĩa máy vi tính), Công ty sứ vệ sinh Inax... Một số công ty sản xuất đang gặp khó khăn do khó tiêu thụ sản phẩm là Công ty liên doanh ô tô Hoà bình, Công ty ô tô Daihatsu, Công ty Sumimoto bakelite, Công ty Thép tiền chế, Công ty Daewoo Hanel, Công ty Orion Hanel...

2. Xây dựng cơ bản

Vốn đầu tư xây dựng cơ bản ngân sách Nhà nước Địa phương tháng Tư năm 2007 dự kiến đạt 478,7 tỷ đồng, tăng 3,4% so tháng trước.

Dự kiến 4 tháng đầu năm 2007, vốn đầu tư xây dựng cơ bản ngân sách Nhà nước Địa phương đạt 1689,7 tỷ đồng, đạt 21,5% kế hoạch năm 2007.

Tiến độ một số công trình lớn:

- Đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa: Hiện còn 1 hộ chưa nhận phương án và thực hiện Quyết định của quận Đống Đa, dự kiến hoàn thành trong tháng 4 năm 2007. Đã thông tuyến 6 làn xe cơ giới từ đầu tuyến Phạm Ngọc Thạch đến đường Nguyễn Lương Bằng. Nhà thầu đang khẩn trương hoàn thiện hè và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, dự kiến hoàn thành trước ngày 19/5/2007.

- Nút giao thông Kim Liên: Nhà thầu đã hoàn thành hệ thống đường tạm tại trung tâm nút; đã quây rào chắn 150/500m để thi công hầm xe cơ giới, hệ thống thoát nước, xử lý nền đất,…Tình hình tổ chức giao thông khu vực nút được nhà thầu duy trì đảm bảo hoạt động bình thường.

- Nút giao thông Ngã Tư Sở: Đã hoàn thành phương án thu hồi đất đợt 2 của 11 hộ; đang phối hợp với hai quận (Đống Đa và Thanh Xuân) để hoàn thành trong tháng 4/2007. Hầm bộ hành đang được tập trung thi công để hoàn thành trong tháng 5/2007.

- Dự án Bắc Thăng Long - Vân Trì: Hoàn thành tuyến dẫn nước thải từ khu công nghiệp Thăng Long đến nhà máy xử lý nước thải. Lắp đặt tuyến cấp nước cho khu nhà ở của công nhân khu công nghiệp Thăng Long để đưa vào sử dụng trong tháng 5/2007. Cầu vượt nút giao thông Kim Chung, cầu C qua kênh Việt Thắng dọc đường bắc Thăng Long - Nội Bài đang được tập trung thi công để hoàn thành dịp 10/10/2007; Đường chính A (1850m), đường chính B (1200m), các hố điều hòa, hệ thống thoát nước, trạm bơm tiêu kế hoạch hoàn thành trong Quý 4/2007.

- Dự án Cầu Vĩnh Tuy:

Công tác GPMB: Đã cơ bản hoàn thành công tác GPMB, hiện còn 119 hộ dân có đất nông nghiệp và hai doanh nghiệp trên địa bàn quận Long Biên đã được phê duyệt phương án bồi thường, dự kiến hoàn thành trong tháng 4/2007.

Tình hình thực hiện dự án:

Đối với phần trụ đỡ nhịp đúc hẫng vượt sông (từ trụ T17 đến T25) các nhà thầu đã hoàn thành công tác thi công thân trụ và đang tiến hành công tác thi công khối K0 dự kiến hoàn thành cuối tháng 4/2007 để đảm bảo tháng 8 tiến hành hợp long các nhịp chính.

Đối với phần cầu dẫn trên bãi, nhà thầu đang tiếp tục thực hiện công tác lao lắp dầm Super T (đã hoàn thành được 16 nhịp); đồng thời chuẩn bị công tác thi công hoàn thiện các trụ dẫn theo tiến độ.

- Dự án đường 5 kéo dài:

Công tác GPMB: Trên địa bàn huyện Đông Anh, đã cơ bản hoàn tất công tác GPMB phần đất nông nghiệp, hiện còn phần tài sản trên đất thầu khoán của các hộ dân tại xã Vĩnh Ngọc, BQL dự án đang tiến hành lập phương án bồi thường. Đối với phần đất của 74 hộ dân thôn Đông Trù, BQL đã phối hợp với UBND xã tiến hành họp và công bố Quyết định của UBND thành phố về phê duyệt giá đất.

Tình hình thực hiện dự án:

Đoạn Km 11+800 đến Km 13+400 và Km3+720 đến Km9+750: nhà thầu đã thi công xong nền cát K95, lớp đất đồi K98 và hệ thống HTKT như cống thoát mưa, tuyến ngang, tuyến chắn bê tông cốt thép,.. , đang chuẩn bị tiến hành thi công các lớp kết cấu mặt đường; Thi công cầu chui dân sinh, hầm đi bộ,…

Đoạn cầu Đông Trù: Nhà thầu đang triển khai 03 dây truyền khoan cọc nhồi, đã thi công xong 130/288 cọc khoan nhồi đường kính 1,5m. Các công trình tạm cũng đã được lắp dựng xong và đưa vào vận hành trạm biến áp, 02 trạm trộn hiện trường để phục vụ thi công.

3. Thương mại - dịch vụ

* Nội thương:Tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn Hà Nội tháng Tư năm 2007 tăng 1,3% so tháng trước và tăng 21% so cùng kỳ năm trước trong đó bán lẻ tăng 1,7% và 21%.

Dự kiến 4 tháng năm 2007, tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 23,3% so cùng kỳ năm trước, trong đó bán lẻ tăng 24,2%

* Ngoại thương:So tháng trước, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội tháng Tư năm 2007 tăng 1,7%, trong đó xuất khẩu địa phương tăng 1,9%, kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tăng 1,3% trong đó nhập khẩu địa phương tăng 1,5%.

Dự kiến 4 tháng đầu năm 2007 so cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội tăng 22,3%, trong đó xuất khẩu địa phương tăng 24,1%, kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn Hà Nội tăng 11,5% trong đó nhập khẩu địa phương tăng 11,7%. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu đều tăng so cùng kỳ: nông sản (tăng 49,6%), hàng dệt may (tăng 7,2%), giầy dép (tăng 7,1%), thủ công mỹ nghệ (tăng 10,9%), điện tử (tăng 35,8%), xăng dầu tạm nhập tái xuất (tăng 4,9%). Mặt hàng nhập khẩu vẫn chủ yếu là thiết bị máy móc (tăng 2,7%), vật tư nguyên liệu (tăng 13,1%), xăng dầu (tăng 20%)...

* Giá cả thị trường:Chỉ số giá tiêu dùng tháng Tư năm 2007 so tháng trước tăng 0,34% trong đó đa số các nhóm hàng đều tăng nhẹ chỉ riêng nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,2%. Chỉ số giá tiêu dùng tháng Tư năm 2007 so tháng Mười hai năm 2006 tăng 3,71%. Chỉ số giá vàng tháng Tư năm 2007 tăng 0,47% so tháng trước với mức giá phổ biến của vàng 99,99 trên thị trường tư nhân là 1285 ngàn đồng/chỉ. Chỉ số giá Đôla Mỹ tháng Tư năm 2007 so tháng trước tăng 0,1% với mức giá phổ biến trên thị trường tư nhân là 16043 đồng/USD.

4. Sản xuất nông nghiệp

* Trồng trọt:Đến 15/4 diện tích lúa đã cấy là 20763 ha, đạt 117% kế hoạch và đang được bà con nông dân tập trung chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh (đã làm cỏ đợt một xong 100% diện tích và làm cỏ đợt hai được 14951 ha, bằng 72% diện tích). Diện tích rau mầu vụ xuân đã gieo trồng là 10372 ha, bằng 94% so so cùng kỳ năm trước, trong đó ngô 2256 ha (bằng 96% so cùng kỳ), khoai lang 489 ha (bằng 110%), rau đậu các loại 2758 ha (bằng 94%), đỗ tương 425 ha (bằng 71%), lạc 2894 ha (bằng 101%) và hoa 785 ha (bằng 112%). Hiện nay, có một số diện tích lúa ở Sóc Sơn, Gia Lâm, Đông Anh xuất hiện dịch bệnh đạo ôn, sâu đục thân và có chuột phá hại với mức độ nhẹ (khoảng 177 ha). Nhìn chung, thời tiết thuận lợi cho cây trồng phát triển, lúa phát triển tốt và đẻ nhánh nhiều.

* Chăn nuôi, thuỷ sản:

- Sơ bộ đánh giá theo kết quả điều tra chăn nuôi 1/4/2007, đàn lợn năm nay không tăng so cùng kỳ năm trước, đàn gia cầm tăng khá hơn so cùng kỳ do khống chế được dịch cúm gia cầm. Công tác tiêm phòng dịch cho đàn gia súc, gia cầm được duy trì thường xuyên. Đến đầu tháng Tư năm 2007 toàn Thành phố đã tiêm phòng cho 71251 con trâu, bò, lợn và 101892 con gà vịt.

- Thuỷ sản: Các hộ nuôi thuỷ sản đang tiếp tục thu hoạch cá, tôm và chuẩn bị mùa nuôi thả mới. Công tác chuẩn bị vệ sinh ao hồ đã cơ bản hoàn thành. Do chưa có mưa rào lớn và nguồn nước đưa vào các ao hồ còn khó khăn, nên việc nuôi thả mới chưa được triển khai rộng.

5. Trật tự xã hội - an toàn giao thông:

Quý I năm 2007, trên địa bàn Hà Nội đã phát hiện và xảy ra 1158 vụ phạm pháp hình sự (giảm 42% so cùng kỳ năm trước), có 1046 đối tượng bị bắt giữ theo luật (giảm 40% so cùng kỳ năm trước). Tình hình buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ma tuý trái phép quý I năm 2007 có chiều hướng giảm so cùng kỳ với tổng số vụ phát hiện là 387 vụ (giảm 35%), bắt giữ 444 đối tượng (giảm 40%).

Trật tự an toàn giao thông của Hà Nội trong quý I năm 2007 diễn biến theo chiều hướng tốt, số vụ tai nạn xảy ra là 178 vụ (giảm 25% so cùng kỳ), tổng số người bị chết do tai nạn giao thông là 105 người (tăng 2 người) và số người bị thương là 106 người (giảm 42% so cùng kỳ).

Quý I năm 2007 xảy ra 58 vụ cháy nổ (tương đương cùng kỳ năm trước) làm 1 người chết và 5 người bị thương với tổng giá trị tài sản bị thiệt hại khoảng 2,5 tỷ đồng.

* Lao động việc làm:

- Quý I năm 2007, Thành phố Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 13800 người, đạt 16,23% kế hoạch năm, tăng 0,22 so cùng kỳ năm trước. Phối hợp tốt giữa các Sở, Ban, Ngành trong Thành phố để triển khai giải quyết việc làm và kế hoạch vay vốn quỹ Quốc gia giải quyết việc làm ở 14 quận, huyện.

- Quý I năm 2007, đã cấp 3770 bằng và 6832 chứng chỉ nghề cho học viên theo học ở các trường và trung tâm dạy nghề trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

6. Tín dụng Ngân hàng

Dự kiến đến cuối tháng Tư năm 2007, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội đạt 278 165 tỷ đồng, tăng 2,84% so với tháng trước và tăng 14,58% so cuối năm 2006, trong đó tiền gửi dân cư tăng 2,20% và 7,20%, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng 3,30% và 20,41%. Tổng dư nợ cho vay tháng Tư đạt 127 460 tỷ đồng, tăng 2,32% so với tháng trước và tăng 6,92% so cuối năm 2006, trong đó dư nợ ngắn hạn tăng 2,70% và 5,98%, dư nợ trung và dài hạn tăng 1,70% và 8,52%.


thang 4 nam 2007.xls



Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         Lấy lại mã bảo mật