Câu hỏi: Đề nghị TP sớm kiểm tra, giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc liên quan việc triển khai các dự án trong quy hoạch nhưng chưa thực hiện hoặc bị kéo dài lâu năm tại quận Tây Hồ (14:42 12/08/2021)


HNP - Liên quan việc thực hiện các dự án trong quy hoạch nhưng chưa thực hiện hoặc đã thực hiện nhưng kéo dài lâu năm trên địa bàn quận Tây Hồ như: dự án IDC (phường Yên Phụ); dự án xây dựng nhà khách UBND thành phố tại 584 Lạc Long Quân; dự án mở rộng đường ngõ 552, 566 Lạc Long Quân ra công viên nước Hồ Tây (phường Nhật Tân). Đề nghị Thành phố sớm kiểm tra, giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc liên quan việc triển khai dự án, nếu không thực hiện thì xem xét cấp Giấy chứng nhận QSD đất để nhân dân trong khu vực được cải tạo, sửa chữa nhà ở ổn định cuộc sống (vì những dự án này đã quy hoạch từ rất nhiều năm và nhiều nhà ở của các hộ dân trong các khu vực dự án đã xuống cấp).


Trả lời: 
(1) Về dự án IDC (khu nhà ở và văn phòng).
Dự án Khu nhà ở và văn phòng làm việc tại khu vực hồ An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ được triển khai từ năm 1990. Ngày 28/9/1999, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 914/QĐ-TTg thu hồi 13.970m2 đất tại phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, giao cho Công ty TNHH Xây dựng IDC sử dụng để thực hiện Dự án. Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UBND Thành phố đã giao nhiệm vụ cho các Sở, ngành, Chủ đầu tư thực hiện; có nhiều văn bản chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư. 
Tuy nhiên, do vướng mắc Luật Đê điều, khiếu nại của một số hộ dân, dự án triển khai kéo dài, có thay đổi về chế độ, chính sách pháp luật, đến nay mới thu hồi, giải phóng mặt bằng được 7.901m2, còn lại 6.096m2 đất chưa giải phóng mặt bằng; một số diện tích đất mặt hồ đã san lấp trước đây bị lấn chiếm; hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thiện dẫn đến khó khăn cho Chủ đầu tư và sinh hoạt của người dân; do dự án chưa thực hiện xong nên một số chế độ tài chính liên quan đến Chủ đầu tư chưa được giải quyết. 
Ngày 06/1/2016, UBND Thành phố có Thông báo số 04/TB-VP về ý kiến chỉ đạo của UBND Thành phố giải quyết một số vụ việc tồn đọng, kéo dài liên quan đến đất đai, dự án đầu tư sử dụng đất trên địa bàn quận Tây Hồ. Đối với dự án IDC, UBND Thành phố chỉ đạo: 
- Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì cùng Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND quận Tây Hồ, Công ty TNHH Xây dựng IDC kiểm tra, rà soát toàn bộ diện tích đất thuộc phạm vi, ranh giới được giao theo Quyết định số 914/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; xác định cụ thể ranh giới, diện tích đất đã GPMB, diện tích đất chưa GPMB, diện tích đất hồ bị lấn chiếm. Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt và hiện trạng quản lý, sử dụng đất, đề xuất UBND Thành phố, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh theo hướng: 
+ Đối với diện tích đất đã GPMB: giao Công ty TNHH Xây dựng IDC tiếp tục sử dụng để thực hiện dự án đầu tư theo quy định. 
+ Đối với diện tích chưa GPMB: giao UBND quận Tây Hồ quản lý, thực hiện việc chỉnh trang khu dân cư theo quy hoạch. Diện tích phù hợp quy hoạch đất ở thì xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu nghĩa vụ tài chính theo quy định; phần diện tích nằm trong quy hoạch xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng phục vụ dân cư thì thu hồi, hoàn thiện hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo khớp nối hạ tầng kỹ thuật khu vực, yêu cầu về PCCC. Đối với diện tích đất do các hộ gia đình lấn chiếm đất hồ An Dương (sau khi san lấp), UBND quận Tây Hồ có trách nhiệm xử lý theo đúng quy định của Luật Đất đai: 
- Cục Thuế chủ trì cùng các Sở, ngành liên quan và UBND quận Ba Đình kiểm tra, xem xét đề nghị của Công ty TNHH Xây dựng IDC về việc hoàn trả kinh phí san lấp hồ An Dương (thực hiện từ năm 1990), báo cáo UBND Thành phố. 
Đến nay, quy hoạch dự án đã được phê duyệt điều chỉnh, diện tích đất đã, đang, chưa thực hiện đã được xác định cụ thể. Tuy nhiên, nhà đầu tư không có khản năng thực hiện tiếp Dự án nên cần thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động và xử lý các tồn tại liên quan. Hiện nay luật Đầu tư 2020 đã có hiệu lực thi hành, việc chấm dứt hoạt động dự án không quy định đối với trường hợp Dự án này, đồng thời một số nội dung kiến nghị của Nhà đầu tư vượt thẩm quyền của UBND Thành phố (phân lô bán nền, đền bù đất thực hiện dự án tại địa điểm khác, hoàn trả tiền sử dụng đất theo giá trị hiện tại...). Liên ngành thành phố đã họp và thống nhất Nhà đầu tư, đề nghị UBND Thành phố báo cáo Chính phủ xem xét quyết định theo thẩm quyền giải quyết những khó khăn vướng mắc. 
 
(2) Dự án Sông Hồng City.
2.1. Công ty Phát triển đô thị được thành lập theo Giấy phép đầu tư số 1059/GP do Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư cấp ngày 29/11/1994 và giấy phép đầu tư điều chỉnh số 1059/GPDC do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp ngày 19/8/1997. Dự án có mục tiêu: Xây dựng một quần thể công trình bao gồm khu nhà ở, khu nhà văn phòng thương mại, khách sạn và các công trình tiện ích công cộng để cho thuê tại Nghĩa Dũng, phường Phúc Xá, quận Ba Đình; Diện tích 51.300 m2. Tổng vốn đầu tư: 240.000.000USD. Tiến độ: Trong vòng 08 năm kể từ ngày 29/11/1994. Thời hạn dự án: 45 năm từ ngày 29/11/1994.
 
2.2. Tình hình triển khai và công tác giám sát thực hiện Dự án
+ Về đất đai: Nhà đầu tư đã ký hợp đồng thuê đất ngày 18/04/1995 và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Quyết định số 3299/QĐ-UB của UBND Thành phố Hà Nội ngày 05/9/1995, thời hạn sử dụng 45 năm kể từ ngày 29/11/1994 đến 29/11/2039).UBND quận Ba Đình và Tây Hồ đã thành lập Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng. Theo báo cáo, từ năm 2002, Công ty đã ký hợp đồng liên kết giữ an ninh trật tự với Công an phường Yên Phụ cho UBND phường Phúc Xá mượn một phần mặt bằng của Dự án để làm sân thể thao và làm dịch vụ kết hợp bảo vệ.
+ Về quy hoạch: Dự án được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 tại Quyết định số 2767/QĐ-UB ngày 01/8/1995 của UBND Thành phố Hà Nội. 
 
2.3. Khó khăn, vướng mắc
Dự án Sông Hồng City bị dừng triển khai do các nguyên nhân khách quan và chủ quan, cụ thể: 
- Về chủ quan: Giai đoạn từ năm 1997-2001, do ảnh hưởng và tác động của khủng hoảng kinh tế khu vực Châu Á, thị trường bất động sản suy thoái, Nhà đầu tư gặp khó khăn tài chính dẫn đến Dự án bị ngừng triển khai. 
- Về khách quan: Dự án bị ngừng triển khai do có sự thay đổi pháp luật Đê điều và chưa phê duyệt quy hoạch phân khu hai bên bờ Sông Hồng. Cụ thể:
+ Từ năm 2001, Dự án bị ngừng triển khai do chưa phù hợp quy định của Pháp lệnh Đê điều (hiệu lực từ 01/01/2001). Sau khi Luật Đê điều có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007, Dự án thuộc quy hoạch thoát lũ. Thành phố Hà Nội đã triển khai lập quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết của các tuyến sông có đê để làm cơ sở cho việc lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng hai bên bờ Sông Hồng (theo quy định tại Nghị định số 113/2007/NĐ-CP của Chính phủ ngày 28/6/2007 và Quyết định số 92/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/6/2007 phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ hệ thống Sông Hồng và Sông Thái Bình). 
+ Vị trí khu đất Dự án nằm trong vùng cảnh quan hai bên sông Hồng thuộc khu vực UBND Thành phố đang triển khai lập quy hoạch phân khu R4. Tại văn bản số 5601/UBND-XD ngày 06/7/2011, UBND Thành phố chỉ đạo trong thời gian chờ quy hoạch phân khu được cấp có thẩm quyền phê duyệt không triển khai các đồ án, dự án quy hoạch xây dựng mới có tính chất kinh doanh bất động sản. Hiện nay, Đồ án Quy hoạch phân khu sông Hồng tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) đang được Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội triển khai nghiên cứu lập theo Nhiệm vụ Quy hoạch đã được UBND Thành phố phê duyệt (tại Quyết định số 4770/QĐ-UBND ngày 23/10/2012). 
+ Ngày 18/02/2016, tại Quyết định số 257/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình. UBND Thành phố đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập quy hoạch phòng chống lũ chi tiết, trình HĐND Thành phố thông qua. Tuy nhiên, việc lập quy hoạch tạm dừng để xin ý kiến hướng dẫn đảm bảo phù hợp Luật Quy hoạch (có hiệu lực từ ngày 01/01/2019). 
 
Đề xuất, kiến nghị: Dự án Sông Hồng City là một trong các dự án bất động sản lớn nhất trong giai đoạn đầu thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, đánh dấu quan hệ hữu nghị song phương Việt Nam – Singapore về đầu tư – thương mại. Đây cũng là Dự án nhận được sự quan tâm và ủng hộ của Đại sứ quán Singapore trong những năm vừa qua. Nhà đầu tư nước ngoài - Antara Koh Development (V) Pte., Ltd và phía Việt Nam - Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội đã có văn bản bày tỏ nguyện vọng tiếp tục thực hiện Dự án và cam kết triển khai ngay sau khi nhận được mặt bằng.
 
Việc ngừng triển khai Dự án do nguyên nhân khách quan và chủ quan; trong đó có sự thay đổi quy định pháp luật nhà nước về quy hoạch đê điều, quy hoạch thoát lũ, quy hoạch phân khu qua các thời kỳ. UBND Thành phố tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành: Quy hoạch Kiến trúc, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Quy hoạch Xây dựng khẩn trương hoàn thành công tác lập và phê duyệt quy hoạch thoát lũ, quy hoạch phân khu làm cơ sở để Nhà đầu tư tiếp tục triển khai dự án theo quy định pháp luật hiện hành. Chỉ đạo UBND quận Tây Hồ, quận Ba Đình tiếp tục phối hợp với Nhà đầu tư triển khai công tác giải phóng mặt bằng sau khi Dự án được phê duyệt quy hoạch theo quy định. 
 

HNP


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         Lấy lại mã bảo mật