Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 11 năm 2010 (10:25 06/12/2010)



1. Sản xuất công nghiệp
Sản xuất công nghiệp đứng trước khó khăn do giá cả một số nguyên, nhiên, vật liệu tăng, một số doanh nghiệp khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chịu nhiều ảnh hưởng bởi biến động tỷ giá ngoại tệ do phải nhập nguyên liệu để sản xuất, nhưng vẫn duy trì được tốc độ tăng ổn định nhờ những biện pháp quyết liệt của các cơ quan chức năng và sự cố gắng của các doanh nghiệp, đã chủ động tháo gỡ những khó khăn, khai thác tốt năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường trong nước để đẩy mạnh sản xuất, đặc biệt là những sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 11 (giá 1994) tăng 5,7% so tháng trước và tăng 15,5% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Kinh tế nhà nước tăng 6,3% và 9,9% (kinh tế nhà nước Trung ương tăng 6,9% và 11,5%, kinh tế nhà nước địa phương tăng 4,7% và 4,8%); Kinh tế ngoài nhà nước tăng 5,2% và 17,6%; Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 5,8% và 17%.

Dự kiến 11 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng 14,3% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Kinh tế nhà nước tăng 9,1% (kinh tế nhà nước Trung ương tăng 8,4%, kinh tế nhà nước địa phương tăng 11,2%); Kinh tế ngoài nhà nước tăng 14,9%; Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 16,6%.

Trong đó giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp, công nghiệp chế biến luôn là ngành quyết định tới tốc độ tăng chung của toàn ngành công nghiệp. 11 tháng năm nay, nhiều ngành công nghiệp chế biến có tốc độ tăng cao hơn mức tăng chung của toàn ngành là: Sản xuất thực phẩm đồ uống (tăng 16,2%), sản xuất sản phẩm từ chất khoáng phi kim loại (tăng 17,3%), giấy và sản phẩm bằng giấy (tăng 15,1%),… với nhiều sản phẩm có tốc độ tăng cao so với cùng kỳ như: Bia (tăng 23,5%), gạch xây (tăng 14,3%), giấy bìa các loại (tăng 22,8%), xà phòng các loại (tăng 19,2%)…

2. Xây dựng cơ bản.

Vốn đầu tư nhà nước do thành phố quản lý tháng 11 đạt 2051,6 tỷ đồng, tăng 8,2% cùng kỳ năm trước.

Dự kiến 11 tháng đạt 19.545,3 tỷ đồng, bằng 88,2% so cùng kỳ và bằn 78,7% so kế hoạch năm 2010. Trong đó: Vốn ngân sách nhà nước tăng 18% so với cùng kỳ và bằng 90,8% kế hoạch năm, vốn tự có của doanh nghiệp nhà nước bằng 62,2% so với cùng kỳ và bằng 90% kế hoạch năm.

Một số tình hình đầu tư trên địa bàn thành phố:


UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư Đồng Láng, Xuân Khanh, thị xã Sơn Tây phục vụ di chuyển các hộ dân ra khỏi vùng ảnh hưởng môi trường khu xử lý rác thải Sơn Tây. Công trình do UBND thị xã Sơn Tây làm chủ đầu tư, tổng diện tích khu đất nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 49.269m2. Tổng mức đầu tư dự án trên 98 tỷ đồng, sử dụng nguồn ngân sách ủy thác Quỹ đầu tư phát triển thành phố cấp phát. Thời gian thực hiện dự án trong năm 2011-2012.

Dự án xây mới đường nối từ Quốc lộ 32 với Quốc lộ 21A, thuộc địa bàn huyện Phúc Thọ và thị xã Sơn Tây đã được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận điều kiện bố trí kế hoạch chuẩn bị đầu tư. Dự án này do UBND huyện Phúc Thọ làm chủ đầu tư với tổng kinh phí dự kiến 160 tỷ đồng, được thực hiện từ năm 2011-2014. Công tác chuẩn bị đầu tư dự kiến hoàn thành vào quý IV/2010. Tuyến đường nối có tổng chiều dài 4,3km

Ngày 9/11, UBND Thành phố ban hành Quyết định phê duyệt kế hoạch dự án xây dựng mạng cấp nước xã Hải Bối và khu vực còn lại của các xã Kim Chung, Võng La, Đại Mạch (huyện Đông Anh). Dự án, có 4 gói thầu với tổng giá trị gần 100 tỷ đồng.

Dự án cầu Nhật Tân vẫn đang được khẩn trương thực hiện, do tiến độ chậm so với dự kiến vì khâu giải phóng mặt bằng, nên việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đang rất khẩn trương và quyết liệt.

3. Thương mại dịch vụ.
3.1. Nội thương.
Tháng 11, Hà Nội tiếp tục thực hiện chương trình bình ổn giá tại gần 400 điểm bán hàng, đồng thời cũng là tháng khuyến mại Hà nội năm 2010, bắt đầu từ ngày 1/11 đến 30/11/2010 với trên 1.100 điểm khuyến mại trên toàn địa bàn, các đơn vị tham gia tháng khuyến mại sẽ giảm giá từ 15% trở lên với ít nhất 30% mặt hàng đang kinh doanh như: thực phẩm, đồ uống, dệt may, giày dép, điện tử, điện máy, đồ gia dụng, nội thất… Riêng hai ngày vàng diễn ra vào ngày 13 và 14 tháng 11, tại 22 điểm vàng, lượng khách mua sắm tại các điểm vàng khá cao. Số lượng điểm vàng năm nay có tăng nhưng tập trung quá nhiều vào các trung tâm điện máy, trong khi người dân đang có nhu cầu mua sắm các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, đồ gia dụng thì không nhiều. Khác với năm trước, năm nay, các điểm vàng được phát triển ra các vùng ngoại thành như Hà Đông, Mê Linh, Ứng Hòa… nhằm tạo cơ hội cho người dân các quận, huyện xa trung tâm dễ dàng mua được hàng giảm giá.

Tổng mức bán hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 11 dự kiến đạt 79.749,7 tỷ đồng, tăng 1,6% so tháng trước và tăng 36,2% so cùng kỳ, trong đó, tổng mức bán lẻ đạt 19.811,7 tỷ đồng, tăng 2,1% so tháng trước và tăng 32,5% so cùng kỳ.

Dự kiến 11 tháng, tổng mức bán hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 812.361,1 tỷ đồng, tăng 31,5% so cùng kỳ, trong đó, tổng mức bán lẻ đạt 187.858,9 tỷ đồng, tăng 32,4%.

3.2. Ngoại thương.
Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tháng 11 đạt 770,1 triệu USD, tăng 3,1% so tháng trước và tăng 51% so cùng kỳ, trong đó, xuất khẩu địa phương tăng 3,5% và 40,8%. Mặt hàng xuất khẩu tăng nhiều so với cùng kỳ là hàng may, dệt (tăng 84,8%), hàng điện tử (tăng 71,6%)….

Dự kiến 11 tháng đạt 7.186,1 triệu USD, tăng 25,1% so cùng kỳ, trong đó xuất khẩu địa phương tăng 30,5%, có nhiều nhóm hàng xuất khẩu tăng trên 30% như Hàng may, dệt; hàng điện tử; thủy tinh và các sản phẩm thủy tinh…

Kim ngạch nhập khẩu tháng 11 đạt 1.812 triệu USD, tăng 6% so tháng trước và tăng 1,2% so cùng kỳ, trong đó, nhập khẩu địa phương tăng 7,3% và bằng 90%.

Dự kiến 11 tháng đạt 19.139,2 triệu USD, tăng 13,3% so cùng kỳ, trong đó, nhập khẩu địa phương tăng 3,4%. Kim ngạch nhập khẩu chủ yếu là khối kinh tế nhà nước (chiếm trên 68% kim ngạch nhập khẩu).

3.3. Vận tải.
Sau Đại lễ 1000 năm Thăng Long, vận tải hàng hóa bằng ô tô đã được lưu thông trở lại trên một số tuyến đường, bên cạnh đó, UBND thành phố Hà Nội cũng đã cho phép trên 30 xe tải trọng nhỏ của một số doanh nghiệp được hoạt động 24/24 giờ để vận chuyển hàng hóa thiết yếu vào khu vực nội thành, đảm bảo nguồn hàng đầy đủ tại các siêu thị và các cửa hàng trong tháng khuyến mại. Chính vì vậy, khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng Mười một tăng 3,4% so tháng trước và tăng 26,1% so cùng kỳ; khối lượng hàng hóa luân chuyển tăng 3,1% và 21,2%, doanh thu tăng 3,3% và 26,1%.

Ước tính 11 tháng, khối lượng hàng hóa vận chuyển tăng 28,8% so cùng kỳ, khối lượng hàng hóa luân chuyển tăng 23,6%, doanh thu tăng 28,5%.

Vận tải hành khách liên tỉnh đã đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của khách tại các bến xe khách liên tỉnh, số hành khách đi trên các tuyến xe buýt tăng đáng kể. Ước tính khối lượng hành khách vận chuyển tháng Mười một tăng 2,7% so tháng trước và tăng 32,5% so cùng kỳ, khối lượng hành khách luân chuyển tăng 3,6% và 21,9%, doanh thu tăng 2,6% và 14,7%.

Dự kiến 11 tháng, khối lượng hành khách vận chuyển tăng 34,9% so cùng kỳ, khối lượng hành khách luân chuyển tăng 24,1%, doanh thu tăng 16,4%.

3.4. Thị trường giá cả.
Thị trường đang bước dần vào giai đoạn cuối năm, nhu cầu đối với các loại hàng hóa, dịch vụ bắt đầu tăng lên, bên cạnh đó, thiên tai lũ lụt ở miền trung đã làm đường thông thương giữa hai miền ngưng trệ, phần nào đã đẩy giá lương thực, thực phẩm lên cao.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 tăng 1,93% so tháng trước và tăng 11,41% so với cùng kỳ năm trước; so với tháng 12 năm trước, chỉ số giá tiêu dùng tăng 9,94%. Tất cả các nhóm hàng đều tăng so tháng trước, tăng cao có nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (tăng 3,98%); nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD (tăng 2,28%), còn lại các nhóm hàng đều tăng dưới 1%.

4. Sản xuất nông nghiệp.

4.1. Trồng trọt.
4.1.1. Sản xuất vụ mùa.

Đến ngày 15/11/2010 toàn Thành phố đã cơ bản thu hoạch xong các cây trồng vụ mùa. Qua kết quả điều tra, sơ bộ diện tích, năng suất, sản lượng cây hàng năm vụ mùa năm 2010 toàn Thành phố như sau:

- Về diện tích: Diện tích gieo trồng cây hàng năm 123.823 ha, bằng 98,8% so với cùng kỳ năm 2009. Diện tích reo trồng giảm chủ yếu là diện tích lúa (giảm 804 ha so với cùng kỳ), giảm nhiều là các quận, huyện giáp nội thành như quận Hà Đông, huyện Từ Liêm, Hoài Đức,…

+ Diện tích gieo trồng cây lương thực 106.524 ha, bằng 99,4% so với cùng kỳ năm trước, chia ra: diện tích lúa mùa 102.875 ha, bằng 99,2%, ngô 3.649 ha, tăng 5,6%.

+ Diện tích cây chất bột trồng được 3.514 ha, bằng 86,7%, trong đó khoai lang 572 ha, bằng 79%; Sắn 2.121 ha.

+ Diện tích trồng rau, đậu các loại 7.058 ha, bằng 98%, trong đó: rau trồng được 6.675 ha, bằng 99%.

+ Cây công nghiệp hàng năm 3.874 ha, bằng 99,3%, trong đó đậu tương 2.717 ha, bằng 95,1%.

- Về năng suất, sản lượng: Do rầy nâu phát sinh gây hại, cá biệt đã xảy ra cháy rầy cục bộ, thêm vào đó có một số diện tích lúa bị đổ do ảnh hưởng của những trận mưa giông trong tháng 9 nên, năng suất lúa mùa 2010 toàn thành phố chỉ đạt 52,23 tạ/ha, giảm 1,08 tạ/ha so cùng kỳ năm trước; sản lượng lúa đạt 537.281 tấn, giảm 2,79%. Năng suất ngô 45,85 tạ/ha, tăng 3,5% so cùng kỳ, sản lượng 16.731tấn, tăng 9,35%. Tính chung, sản lượng lương thực vụ này đạt trên 554 ngàn tấn, giảm 2,46% so với cùng kỳ năm trước.

4.1.2. Sản xuất cây vụ đông
Đến ngày 10/11/2010 toàn Thành phố đã gieo trồng được 60.037 ha cây các loại, bằng 94,17% so với cùng kỳ. Trong đó: Ngô 12.663 ha; Đậu tương 29.125 ha; Lạc 589 ha; Khoai lang 3.966 ha; Khoai tây 694 ha; Rau các loại 11.280 ha. Nhiều huyện có phong trào trồng cây vụ đông đã gieo trồng vượt kế hoạch như: Phú Xuyên 9.280 ha, vượt 13,5% kế hoạch; Mỹ Đức 5.936 ha, vượt 12,0%; Chương Mỹ 4.251 ha, vượt 3,18%; Phúc Thọ 3.900 ha, vượt 7,85%;… Hiện nay các địa phương tiếp tục trồng rau màu và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, nên các cây trồng vụ đông đang sinh trưởng và phát triển tốt.

4.2. Chăn nuôi.
Tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố ổn định, không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm. Tại các địa phương, vẫn tiếp tục triển khai công tác tiêm phòng đại trà đợt 2 năm 2010 chi đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố.

Theo kết quả điều tra chăn nuôi thời điểm 1/10/2010, toàn Thành phố hiện có:
+ Đàn trâu 26.900 con, bằng 95,03% so cùng kỳ năm 2009

+ Đàn bò 184.642 con, bằng 92,9% so với cùng kỳ, đáng chú ý là đàn bò sữa đã phát triển mạnh trở lại, với 7.787 con, tăng 32,77%, Sản lượng sữa tươi 15.565 tấn, tăng 25,46%, đã đáp ứng một phần cho các nhà máy chế biến thu mua và một phần cung cấp cho thị trường thành phố.

+ Đàn lợn hiện có trên 1,6 triệu con, giảm 3,38% so với cùng kỳ, đó là do trong tháng 4, đầu tháng 5/2010 đã xuất hiện dịch lợn tai xanh ở các hộ chăn nuôi 10 quận, huyện, thị xã. Tuy dịch bệnh đã được khống chế nhưng cũng ảnh hưởng đến người chăn nuôi. Mặt khác, do giá thức ăn chăn nuôi cao, giá thịt lợn hơi xuất chuồng ít tăng nên lợi nhuận từ chăn nuôi thấp dẫn tới các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ chuyển hướng không chăn nuôi hoặc hạn chế số lượng nuôi.

+ Tổng đàn gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) hiện có trên 17 triệu con, tăng 4,56% so với cùng kỳ; sản lượng thịt gia cầm xuất chuồng trong năm tăng 18,64%. Năm nay, chăn nuôi gia cầm tương đối thuận lợi, trong năm không xảy ra dịch bệnh đối với đàn gia cầm, các cơ sở chăn nuôi mạnh dạn đầu tư, nên số đầu con và sản lượng xuất chuồng đều tăng so với năm trước. Sản lượng trứng gia cầm các loại đạt trên 583 triệu quả, tăng 19,38%.

4.3. Lâm nghiệp, thủy sản.

Công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ rừng vẫn được tăng cường. Các địa phương tiếp tục chăm sóc diện tích rừng và số cây phát tán đã trồng, khai thác các loại cây đã đến tuổi thu hoạch. Trong tháng trên địa bàn thành phố không xảy ra vụ cháy rừng nào, nhưng hiện nay thời tiết rất hanh khô gây nguy cơ cháy rừng rất cao, nên công tác quản lý, bảo vệ rừng được các địa phương tiếp tục tăng cường. Chi cục Kiểm lâm đã tổ chức diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng tại Ba Vì đối với các huyện có rừng.

Tình hình nuôi trồng và khai thác thủy sản tương đối ổn định, đến nay không có diễn biến thời tiết xấu xảy ra, các hộ nuôi trồng đang tập trung chăm sóc, nuôi vỗ béo cho đàn cá thịt để chuẩn bị sản phẩm phục vụ nhu cầu dân sinh trong dịp cuối năm và tết Nguyên Đán.

5. Các vấn đề xã hội.
5.1. Trật tự xã hội.
Trong tháng Đại lễ 1000 năm Thăng Long, Công an thành phố đã tập trung chỉ đạo triển khai hiệu quả các nhiệm vụ công tác, đảm bảo an ninh trật tự trong dịp Đại lễ. Chính vì vậy an ninh trật tự tháng 10 giảm so tháng trước.

Tháng 10, đã phát hiện xảy ra 484 vụ phạm pháp hình sự (bằng 115,5% so cùng kỳ), số vụ được Công An khám phá là 367 vụ (bằng 114,7%), số đối tượng bị bắt giữ theo luật là 595 đối tượng (bằng 120,4%); Cộng dồn 10 tháng, đã phát hiện xảy ra 4723 vụ phạm pháp hình sự (bằng 118,2% so cùng kỳ), số vụ được Công An khám phá là 3430 vụ (bằng 117,8%), số đối tượng bị bắt giữ theo luật là 5195 đối tượng (bằng 120,4%). Cũng trong tháng 10, đã xảy ra 89 vụ phạm pháp kinh tế (bằng 101,1% so cùng kỳ), số đối tượng phạm pháp là 101 người (bằng 98,1%). Thu nộp ngân sách 15935 triệu đồng; Cộng dồn 10 tháng, số vụ phạm pháp kinh tế là 1275 vụ (bằng 124,6% so với cùng kỳ), số đối tượng phạm pháp 1386 đối tượng (bằng 113,9%), thu nộp ngân sách trên 140 tỷ đồng.

Đã phát hiện 56 vụ cờ bạc (bằng 294,7% so cùng kỳ), số đối tượng bị bắt giữ 237 đối tượng (bằng 159,1%). Các cơ quan pháp luật đã thụ lý hồ sơ và đưa ra xét xử, truy tố 22 vụ (bằng 244,4%), số đối tượng bị truy tố là là 45 đối tượng (bằng 71,4%). Cộng dồn 10 tháng, đã phát hiện 845 vụ cờ bạc (bằng 98,3% so cùng kỳ), với 4502 đối tượng bị bắt giữ (bằng 104,7%). Các cơ quan pháp luật đã thụ lý hồ sơ và đưa ra xét xử, truy tố 449 vụ với 2503 đối tượng.

Tổng số vụ buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy bị phát hiện là 205 vụ (bằng 117,8% so cùng kỳ) với số đối tượng bị bắt giữ 258 người (bằng 122,9%); cộng dồn 10 tháng có 2261 vụ (bằng 106,7%) với 2640 đối tượng (bằng 105,4%). Cũng trong tháng 10, đã có 20 đối tượng sử dụng ma túy bị phát hiện (bằng 50% so cùng kỳ); cộng dồn 10 tháng, có 321 đối tượng sử dụng ma túy bị bắt (bằng 75,7%).

5.2. Trật tự an toàn giao thông và công tác phòng cháy chữa cháy.

Trong tháng 10, toàn Thành phố đã xảy ra 76 vụ tai nạn giao thông (bằng 105,6% so cùng kỳ) với 68 người bị chết (bằng 117,2%) 22 người bị thương (bằng 104,8%). Cộng dồn 10 tháng, xảy ra 685 vụ tai nạn giao thông (bằng 92,8% so cùng kỳ) với 612 người bị chết (bằng 97,1%) và 188 người bị thương (bằng 82,5%).

Cũng trong tháng 10, toàn Thành phố xảy ra 20 vụ cháy, nổ làm 4 người chết và 5 người bị thương; cộng dồn 10 tháng xảy ra 200 vụ cháy nổ, làm chết 13 người và bị thương 9 người với tổng thiệt hại trên 73 tỷ đồng.

6. Tín dụng ngân hàng.

Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn dự kiến tháng 11 là 739.752 tỷ đồng, tăng 1,43% so tháng trước và tăng 26,34% so tháng Mười hai năm 2009, trong đó, tiền gửi tiết kiệm tăng 1,5% và 28,4%, phát hành giấy tờ có giá tăng 1,3% và 42,42%, tiền gửi thanh toán tăng 1,4% và 23,28%. Tổng dư nợ cho vay dự kiến tháng 11 đạt 467.533 tỷ đồng, tăng 1,67% so tháng trước và tăng 24,04% so tháng 12 năm 2009, trong đó dư nợ ngắn hạn tăng 1,8% và 26,18%, dư nợ trung và dài hạn tăng 1,5% và 21,23%.



Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         Lấy lại mã bảo mật