Tình hình kinh tế - xã hội của Thủ đô Tháng 2/2016 (13:44 28/04/2016)


HNP - Báo cáo số 133/BC-CTK ngày 22/02/2016 của Cục Thống kê TP Hà Nội về tình hình kinh tế - xã hội tháng Hai năm 2016.


1. Sản xuất công nghiệp.

Tết nguyên đán Bính Thân rơi vào tháng Hai và thời gian nghỉ tương đối dài, do vậy hầu hết các ngành sản xuất công nghiệp chỉ số sản xuất đều giảm so với tháng trước nhưng vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2015, cụ thể: Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tháng Hai năm 2016 giảm 27,2% so với tháng trước tăng 6,1% so với cùng kỳ. Trong đó: Công nghiệp khai khoáng giảm 14,8%, tăng 8,9%; Công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 28,1% và tăng 6,1%; Sản xuất, phân phối điện, khí đốt giảm 9,3% và tăng 6,1% ; Cung cấp nước và hoạt động thu gom xử lý rác, nước thải giảm 5,8%  và tăng 4,6%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp cộng dồn 2 tháng đầu năm tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó: Công nghiệp khai khoáng tăng 0,5%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,8%; Sản xuất, phân phối điện tăng 5,7%; Cung cấp nước và hoạt động thu gom xử lý rác, nước thải giảm 5,4%. Một số ngành chiếm tỷ trọng lớn có tốc độ tăng khá cao (so với mức tăng bình quân chung) so với cùng kỳ năm 2015 như: Sản xuất chế biến thực phẩm (tăng 20,4%), Sản xuất trang phục (tăng 36,2%); Sản xuất kim loại (tăng 33,1%); Sản xuất giường, tủ, bàn ghế (tăng 199,4%)...

Tháng Hai năm 2016 những doanh nghiệp sản xuất đã kết thúc chu kỳ sản xuất, tích lũy hàng hóa phục vụ thị trường tiêu thụ sản phẩm trong dịp tết nên sản lượng sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Thành phố giảm so với tháng trước nhưng tăng so với cùng kỳ năm 2015, cụ thể: Bánh kem xốp (giảm 34,7% và tăng 13,4%); Kẹo các loại (giảm 61,5% và tăng 66,7%); Bia đóng lon (giảm 50% và tăng 24,2%); Sợi tổng hợp (giảm 40,5% và tăng 22,8%); Vải dệt kim (giảm 44,7% và tăng 22,2%); Chăn, nệm các loại (giảm 30%, tăng 155,7%); Xe ô tô tải (giảm 25,4%, tăng 45,6%); Phụ tùng xe có động cơ (giảm 11% và tăng 18,6%).

Chỉ số tiêu thụ sản phẩm ngành công nghiệp chế biến chế tạo tháng Một năm 2016 giảm 4,2% so với tháng trước và tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số tồn kho sản phẩm ngành công nghiệp chế biến chế tạo tháng Một năm 2016 giảm 2,7% so với tháng trước và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo trong những tháng tới, sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội sẽ phát triển ổn định, khả quan hơn so với năm 2015.

2. Vốn đầu tư.

Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước tính tháng Hai đạt 1.134 tỷ đồng, bằng 56,7% so tháng trước và tăng 20,3% so với cùng kỳ. Ước tính 2 tháng đầu năm 2016 thực hiện 3.134 tỷ đồng, tăng 22,7% so với cùng kỳ. Trong những tháng đầu năm 2016,  vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý chủ yếu là từ các dự án chuyển tiếp của năm 2015.

Tình hình một số dự án:

Dự án đường vành đai I (đoạn Ô Đống Mác-Nguyễn Khoái): Các gói thầu xây lắp đều đã được triển khai thi công với phương châm có mặt bằng đến đâu, thi công đến đó. Đến nay đã thực hiện được 60% khối lượng xây lắp. Tuy nhiên do vẫn còn một số hộ dân chưa bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, nên việc thi công còn khó khăn. Khả năng hết quí I/2016 mới giải phóng xong mặt bằng.

Dự án đường sắt đô thị (đoạn Nhổn-Ga Hà Nội): Các gói thầu xây dựng như Tuyến đoạn trên cao; Ga trên cao; Hạ tầng kỹ thuật Depot… đều đạt tiến độ đề ra. Gói thầu hầm và ga ngầm đã ký hợp đồng thi công, hiện các nhà thầu đang làm công tác chuẩn bị để thi công tuyến ngầm trong năm 2016. Công tác giải phóng mặt bằng để phục vụ cho việc thi công phần ngầm cũng đang được chủ đầu tư và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện ngay từ đầu năm 2016.

3. Thương mại dich vụ.

3.1. Nội thương.

Thị trường Tết Bính Thân 2016, lượng hàng khá dồi dào, giá bán một số nhóm hàng phục vụ tết tăng so ngày thường, tuy nhiên do các đơn vị sản xuất, kinh doanh đã có kế hoạch chuẩn bị sẵn nguồn hàng nên không xảy ra hiện tượng thiếu hàng và tăng giá bán đột biến.

Ước tính tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ tháng Hai đạt 167.775 tỷ đồng, giảm 2,5% so với tháng trước và tăng 7% so với cùng kỳ. Trong đó, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 39.007 tỷ đồng, giảm 1,9% và tăng 4,1% (thương nghiệp giảm 4,3%; dịch vụ tăng 1,1% so tháng trước).

Tết Nguyên đán năm nay rơi vào thời điểm cuối tháng Một, đầu tháng Hai. Tại hệ thống siêu thị, ngay từ đầu tháng 1/2016, các đơn vị đã tăng cường thêm lượng hàng hóa tại các điểm bán từ 15-20% để phục vụ nhu cầu sắm tết của người dân. Trước ngày 23 tháng Chạp sức mua chưa tăng cao, từ ngày 24-26 tháng Chạp, tại các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại… lượng khách đến mua đông hơn ngày thường, sức mua tăng từ 15-20%. Ngày 27-28 Tết là thời gian cao điểm của đợt mua sắm do bắt đầu bước vào kỳ nghỉ Tết, sức mua tăng khoảng 30% so ngày thường. Đến ngày 29 tháng Chạp, lượng khách mua sắm tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích giảm, người dân tập trung mua sắm mặt hàng thực phẩm tươi sống, các loại hoa quả tại các chợ. Ngày 1 và ngày 2 tháng Giêng số lượng chợ hoạt động ít, nhân dân chủ yếu tập trung đi lễ, chúc tết nên thị trường trầm lắng, không có biến động. Từ ngày 3 tháng Giêng, một số chợ, siêu thị và cửa hàng tiện ích bắt đầu hoạt động trở lại, tuy nhiên lượng khách mua sắm không nhiều.

Ước tính tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ 2 tháng đầu năm đạt 339.849 tỷ đồng, tăng 9,7% so cùng kỳ, trong đó tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 78.788 tỷ đồng tăng 9,3%. Chia theo thành phần kinh tế, trong tổng mức bán ra: Kinh tế nhà nước ước tính đạt 98291 tỷ đồng, tăng 9% so cùng kỳ, kinh tế ngoài nhà nước 225.259 tỷ đồng, tăng 10% và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 16.299 tỷ đồng, tăng 9,5%.

3.2. Ngoại thương.

- Xuất khẩu: Ước tính tháng Hai, trị giá xuất khẩu đạt 818 triệu USD, giảm 4,4% so tháng trước và tăng 26,8% so cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu địa phương ước đạt 625 triệu USD, giảm 4,5% và tăng 25,3%. Trong tháng, một số nhóm hàng tăng so cùng kỳ là nhóm hàng của xưởng may xuất khẩu, dệt (tăng 68,4%), giày dép các loại và sản phẩm từ da (tăng 59,4%), thuỷ tinh và các sản phẩm từ thuỷ tinh (tăng 61%), hàng điện tử (tăng 55%), Hai nhóm hàng giảm là nhóm xăng dầu giảm 6,6% và nhóm hàng linh kiện máy tính thiết bị ngoại vi giảm 6,4% so cùng kỳ. Ước tính 2 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu đạt 1.673 triệu USD tăng 4,8% so cùng kỳ, trong đó xuất khẩu địa phương tăng 4,6%.

- Nhập khẩu: Trị giá nhập khẩu tháng Hai ước đạt 1.927 triệu USD, giảm 4,2% so tháng trước, tăng 2% so cùng kỳ. Trong đó, nhập khẩu địa phương đạt 832 triệu USD, giảm 4,5% và tăng 2,4%. Một số mặt hàng nhập khẩu tăng cao so cùng kỳ là chất dẻo (tăng 9,3%), xăng dầu (tăng 23,9%)... Mặt hàng giảm so cùng kỳ có phân bón (giảm 13,1%), hóa chất (giảm 9,4%)...  Ước tính kim ngạch nhập khẩu 2 tháng đầu năm 2016 đạt 3.940 triệu USD, tăng 0,1% so cùng kỳ, trong đó, nhập khẩu địa phương tăng 0,1%.

3.3. Vận tải.

Nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết, các bến xe, nhà ga đã tăng cường tàu xe, phương tiện vận tải. Tổng công ty Vận tải Hà Nội, đã bố trí dự phòng 44 xe/ngày trên 24 tuyến buýt để sẵn sàng tăng cường giải toả khi lượng hành khách tăng đột biến.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trong thời gian chạy tàu phục vụ Tết sử dụng 52 đoàn xe để chạy 15 đôi tàu khách trên tuyến Hà Nội - TP. HCM và ngược lại. Các ngày Tết (30 và mùng 1,2,3 tết) vẫn duy trì 5 đôi tàu Thống nhất để phục vụ khách về ăn tết muộn, đi du lịch hoặc đi chúc tết …

Như mọi năm, số lượng xe taxi không đáp ứng đủ nhu cầu đi lại trong dịp Tết. Vào thời điểm cận Tết, nhiều gia đình ở ngoại tỉnh có nhu cầu thuê xe taxi về quê, hoặc ra bến tầu, bến xe, sân bay.. nên nguồn taxi chạy nội thành giảm đáng kể. Trong Tết, với tính chất đi lại mang tính du xuân nhu cầu đi lại bằng xe taxi tăng cao.

So tháng trước, khối lượng hàng hóa vận chuyển tăng 0,9%, khối lượng hàng hóa luân chuyển tăng 1,3%, doanh thu tăng 1,4%. So cùng kỳ, khối lượng hàng hoá vận chuyển tăng 10,5%, hàng hoá luân chuyển tăng 9,5%, doanh thu tăng 10,9%.

So tháng trước, số lượt khách vận chuyển tăng 1%, số lượt hành khách luân chuyển tăng 2,6%, doanh thu vận chuyển hành khách tăng 7,3%. So cùng kỳ, số lượt hành khách vận chuyển tăng 8,6%, hành khách luân chuyển tăng 9,2%, doanh thu tăng 10,9%.

3.4. Du lịch – lễ hội

Tháng Hai, khách quốc tế vào Hà Nội ước tính đạt 238 nghìn lượt khách, giảm 0,8% so tháng trước và tăng 44,1% so cùng kỳ. Khách quốc tế lưu trú tại Hà Nội chia theo phương tiện đến như sau: bằng đường hàng không là 209 nghìn lượt người, tăng 46,5% so với cùng kỳ; đến bằng đường biển, đường bộ 29 nghìn lượt người, tăng 28,9%. Khách nội địa đến tăng 0,9% so tháng trước và tăng 1,6% so cùng kỳ.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống lữ hành giảm 1,1% so tháng trước và tăng 9,2% so cùng kỳ.

Dịp Tết âm lịch có thời gian nghỉ Tết kéo dài 9 ngày nên đây là cơ hội tốt cho người dân đi du lịch trong và ngoài nước. Các công ty du lịch của Hà Nội đã triển khai chùm tour đặc biệt đón Tết Nguyên đán với hàng trăm tour trong và ngoài nước với tổng số lượt khách dự kiến lên đến hàng triệu lượt người. Hà Nội đã quảng bá việc tổ chức Tết với nhiều hoạt động như: tổ chức các triển lãm, hội chợ thương mại, tổ chức bắn pháo hoa tại các điểm trong Thành phố...; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, phương tiện, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, dịch vụ để sẵn sàng đáp ứng tốt nhất các nhu cầu khách trong dịp Tết, đảm bảo dịch vụ ăn nghỉ, vui chơi, đưa đón khách thăm quan...

Ước 2 tháng đầu năm 2016, khách quốc tế đến lưu trú tại Hà Nội tăng 28%, khách nội địa tăng 1,3%, doanh thu khách sạn, ăn uống, lữ hành tăng 9,2%. Hai tháng đầu năm, khách quốc tế đến từ một số nước tăng cao so cùng kỳ như: Hàn Quốc (tăng 48%), Thái Lan (tăng 66%), Trung Quốc (tăng 63,7%), Malaysia (tăng 25,9%)...

Đầu năm, trên địa bàn Thành phố có nhiều lễ hội được khai hội, một số Lễ hội lớn như Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa tổ chức vào ngày mùng 5 Tết; Lễ Hội đền Gióng khai hội vào ngày mùng 6 Tết; Lễ hội chùa Hương chính thức khai hội từ ngày mùng 6 Tết. Năm 2016, lễ hội chùa Hương được Ban tổ chức chuẩn bị sớm và chu đáo để phục vụ khách hành hương,  Để tạo điều kiện tốt nhất cho du khách về trẩy hội và thưởng ngoạn khu danh thắng “đẹp nhất trời Nam”, ngay từ đầu năm 2016 huyện Mỹ Đức đã xây dựng kế hoạch quản lý, tổ chức lễ hội - du lịch Chùa Hương nhằm phát huy những kết quả đạt được trong công tác quản lý lễ hội chùa Hương năm 2015 đồng thời thực hiện tốt việc quản lý, điều hành lễ hội năm 2016, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, giao thông thuận tiện, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường, dịch vụ hàng quán gọn gàng phù hợp với cảnh quan. Từ mùng 2 Tết đến nay, chùa Hương đã đón khoảng 300 nghìn lượt khách thăm quan, trong đó khách khách quốc tế khoảng 500 lượt người. Riêng trong ngày mùng 6 Tết – ngày khai hội đã có 63 nghìn lượt người đến thăm quan. Ban tổ chức lễ hội chùa Hương năm nay đặt mục tiêu đón 1,5 triệu lượt khách.

3.5. Thị trường giá cả.

Tình hình giá cả thị trường theo qui luật vào những tháng trước và sau Tết sẽ tăng, năm nay mức tăng không cao như một số năm trước, nhìn chung giá cả thị trường Tết ổn định, những ngày đầu năm không xẩy ra hiện tượng thiếu hàng, gây sốt giá. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Hai tăng 0,47% so tháng trước và tăng 1,73% so với cùng kỳ. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có chỉ số tăng cao (tăng 2.45%  và tăng 2,76%). Nhóm có chỉ số tăng cao thứ hai là nhóm văn hóa, giải trí và du lịch (tăng 1,12% và tăng 3,09%). Nguyên nhân khiến nhóm này tăng là do giá hoa tươi tăng cao vào những ngày giáp Tết, thêm vào đó do kỳ nghỉ Tết kéo dài nên nhu cầu du lịch của các gia đình tăng cao khiến cho giá các tua du lịch tăng từ 8-10%. Có 2 nhóm có chỉ số giảm so với tháng trước là nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD (giảm 0,62%) và nhóm giao thông (giảm 3,59%); Nguyên nhân khiến 2 nhóm này giảm là do giảm giá xăng, dầu hỏa và giá gas.

Chỉ số giá vàng tăng 2,08% so tháng trước và bằng 93,04% so cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá Đô la Mỹ giảm 0,65% so tháng trước và tăng 4,68% so cùng kỳ.

 Cụ thể giá một số mặt hàng như sau:

- Các mặt hàng lương thực tăng nhẹ so tháng trước, do nhu cầu của người dân vào dịp Tết nên giá gạo ngon và gạo nếp tăng nhẹ.

- Giá mặt hàng thực phẩm tăng 3,34% do các mặt hàng thực phẩm phục vụ Tết nguyên đán như thịt lợn, thịt bò, gia cầm và thủy hải sản tăng. Góp phần làm nhóm thực phẩm tăng cao là còn do giá các loại rau tăng đột biến trong đợt rét đậm, rét hại cuối tháng 1/2016 đã ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 500ha diện tích trồng rau trên địa bàn TP Hà Nội. Rau lên chậm, dập nát, đặc biệt là các loại rau ăn lá nên sản lượng các loại rau giảm mạnh, trong khi đó nhu cầu tiêu dùng rau xanh trong dịp Tết tăng cao nên khiến giá rau tăng mạnh, một số loại như bắp cải, su hào, cà chua,rau muống…tăng 50-60%.

- Giá hàng tiêu dùng: Giá một số mặt hàng trong nhóm may mặc như vải, quần áo, giấy dép ổn định có xu hướng giảm. Chỉ có một số loại dịch vụ như dịch vụ đánh giầy, sửa chữa giầy dép tăng.

-  Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng có chỉ số giảm mạnh (giảm 0,62% so tháng trước) do giá dầu hỏa giảm mạnh vào ngày 19/1/2016 và ngày 3/2/2016. Từ 1/2/2016 trước diễn biến giá gas thế giới đang giảm khiến giá gas trong nước đã được điều chỉnh giảm  20000đ/bình 12kg. Giá bán lẻ gas trong tháng 2 đến tay người tiêu dùng có giá khoảng 280-300000đ/bình 12kg tùy từng hãng. Các mặt hàng khác trong nhóm như sắt thép, xi măng…ổn định.

Về giá xăng dầu: Giá xăng dầu được điều chỉnh giảm vào ngày 19/1 và ngày 3/2 lại giảm tiếp và gần đây nhất giảm vào ngày 18/2. Việc giảm giá xăng dầu liên tiếp đã khiến cho giá xăng dầu thấp nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Hiện giá xăng A92 giá 13.750đ/lít, xăng A95 giá là 14.450đ/lít, dầu diezen 0.05S giá là 9.580đ/lít.

4. Sản xuất nông nghiệp

4.1. Trồng trọt.

 Đến nay, toàn Thành phố đã cơ bản thu hoạch xong các loại cây trồng vụ đông và đang tập trung triển khai kế hoạch sản xuất vụ xuân 2016. Tính đến ngày 15/02/2016, diện tích làm đất 92.000 ha, đạt 92,3% kế hoạch; diện tích mạ đã gieo 6.480 ha đạt 100% kế hoạch; diện tích lúa đã cấy 3.790 ha đạt 3,8% kế hoạch. Công tác cung ứng giống, vật tư phân bón... phục vụ sản xuất vụ xuân 2016 được đảm bảo yêu cầu, kịp thời để sản xuất và chăm sóc lúa, cây trồng. Các công ty thuỷ lợi tiếp tục điều tiết nước và vận hành các trạm bơm đổ ải phục vụ sản xuất. Với thời tiết như hiện nay, thì tiến độ cấy lúa xuân cũng như gieo trồng hoa màu vẫn đảm bảo trong khung thời vụ tốt nhất. Diện tích các loại hoa màu vụ xuân ước trồng được 7.493 ha, tăng 31,6% cùng kỳ, trong đó ngô xuân 1.763 ha, tăng 29,4%; Khoai lang 345 ha, tăng 58,3%; Đậu tương 158 ha, tăng 19,7%; Rau các loại 1.352 ha, tăng 23%; Các cây màu khác 85 ha tăng 25% so với cùng kỳ.

Tiến độ gieo trồng vụ Đông xuân 2016: Tổng diện tích gieo trồng 48.741 ha, bằng 87,4% cùng kỳ. Chia ra theo loại cây trồng: Lúa  3.790 ha, tăng 34,8%; Ngô 11.744 ha, giảm 2,5% so với cùng kỳ; Khoai lang 2.887 ha, giảm 10,9%; Đậu tương 10.735 ha, giảm 41,2%; Rau đậu các loại 15.972 ha, tăng 0,4%; Các cây khác 3.613 ha tăng 3,6%. Nhìn chung tiến độ sản xuất vụ đông xuân năm 2016 chậm hơn so với cùng kỳ là do đợt rét đậm, rét hại từ ngày 23 đến ngày 27/01/2016 và sau đợt rét đậm lại đúng vào dịp gần tết Nguyên đán Bính Thân.

4.2. Chăn nuôi.

Thực hiện Chỉ thị của thành phố Hà Nội về việc tổ chức phục vụ Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 trên địa bàn thành phố Hà Nội, các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, bảo quản, sơ chế, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật có trên địa bàn; thực hiện nghiêm các qui định của nhà nước trong công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y.

Các địa phương đang tích cực đẩy mạnh công tác chống rét, chăm sóc sức khỏe cho đàn gia súc, gia cầm, chủ động dự trữ thức ăn trong những ngày giá rét, tích cực chuẩn bị nguồn thực phẩm phục vụ nhu cầu của nhân dân trước và sau Tết cổ truyền. Trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua số gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố chết do rét là 117 con (trong đó: 03 con trâu, 02 con bò, 07 con lợn và 105 con ngan).

Nhìn chung số lượng đàn gia súc, gia cầm ổn định, ước tính số lượng  một số loại gia súc gia cầm hiện có: Đàn trâu 24.762 con, tăng 1,9% so với cùng kỳ; đàn bò 138.860 con, tăng 2,4% (trong đó bò sữa 14.370 con, tăng 7,8%); đàn lợn 1.312.581 con, tăng 0,9%; đàn gia cầm 23,5 triệu con, tăng  12,4% (trong đó đàn gà 15,7 triệu con, tăng 19%).

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Thành phố không xảy ra các dịch bệnh nguy hiểm như: Lở mồm long móng gia súc, lợn tai xanh, cúm gia cầm, dại chó mèo. Chi cục Thú y thành phố phối hợp với các quận, huyện, thị xã tiếp tục tổ chức tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm.

4.3. Lâm nghiệp, thủy sản.

Khai thác gỗ và lâm sản của thành phố Hà Nội chủ yếu là diện tích rừng trồng đến kỳ cho thu hoạch và cây lâm nghiệp trồng phân tán. Trong tháng, sản lượng gỗ cũng như củi khai thác đạt: Số gỗ khai thác 560 m3, giảm 40,3% so cùng kỳ; củi khai thác 1.580 Ste, giảm 46,6% . Lũy kế 2 tháng đầu năm 2016 khai thác gỗ ước đạt 1.560 m3, giảm 33,8%; củi 5.480 Ste, giảm 16,1% so với cùng kỳ.

Trên địa bàn Thành phố đã xảy ra một vụ cháy rừng tại huyện Sóc Sơn gây thiệt hại 0,3 ha nhưng chủ yếu là thực bì dưới tán rừng bạch đàn 05 năm tuổi. Tuy nhiên do dập lửa kịp thời nên thiệt hại không lớn. Toàn Thành phố tính đến ngày 07/02/2016 đã chủ động xây dựng Kế hoạch Tết trồng cây, công tác chuẩn bị cho lễ phát động tết Trồng cây ở địa phương đã được chuẩn bị khá chu đáo, hố và cây trồng đã được chuẩn bị đầy đủ. Lễ phát động diễn ra từ ngày 13-17/02/2016 (tức từ ngày 06-10 tết Nguyên đán Bính Thân 2016).

Trong tháng Hai, đúng vào dịp tết Nguyên đán, vì vậy các hộ sản xuất thuỷ sản tiếp tục  thu hoạch đánh bắt trên các diện tích nuôi thả để phục vụ nhu cầu thực phẩm cho tết cổ truyền. Mặt khác tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống rét cho đàn cá nuôi lưu trong mùa đông, nuôi chăm sóc đặc biệt đàn cá bố mẹ giai đoạn 2, chuẩn bị cho sinh sản nhân tạo; Cải tạo và vệ sinh ao, hồ, đồng thời tranh thủ nguồn nước xả từ các hồ thủy điện để tích nước chuẩn bị cho vụ nuôi năm 2016. Diện tích nuôi thả toàn Thành phố trong tháng Hai ước đạt 1.250 ha giảm 35,6% so với cùng kỳ. Tính chung 2 tháng đầu năm, Hà Nội đã nuôi thả được 3.190 ha, giảm 17,8% so với cùng kỳ.

Về sản lượng, trong tháng Hai, ước tính thu được 7.800 tấn, giảm 0,7% so cùng kỳ; trong đó, sản lượng nuôi thả 7.675 tấn, tăng 0,1%; sản lượng khai thác không đáng kể, toàn Thành phố thu được 125 tấn, giảm 32,4%.

5. Các vấn đề xã hội.

Số vụ phạm pháp trong tháng Một năm 2016 đã phát hiện 404 vụ phạm pháp hình sự, giảm 25,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó số vụ do công an khám phá được 331 vụ giảm 21,7%; số đối tượng vi phạm bị bắt, giữ theo luật 961 người tăng 37,5%. Cũng trong tháng Một đã phát hiện 406 vụ phạm pháp kinh tế, so cùng kỳ tăng 94,3%; số đối tượng phạm pháp là 439 người so cùng kỳ tăng 87,6%. Thu nộp ngân sách trên 20 tỷ đồng.

Tháng Một, đã phát hiện 90 vụ cờ bạc, tăng 104,5% so cùng kỳ năm trước, số đối tượng bị bắt giữ 385 người, tăng 57,1% so cùng kỳ. Số vụ mại dâm bị phát hiện trong tháng Một có 29 vụ, số đối tượng bị bắt giữ 31 người. Tổng  số vụ buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy bị phát  hiện trong tháng là 403 vụ, bắt 529 đối tượng. Số vụ sử dụng ma túy 11 vụ, 41 đối tượng.

Tình hình trật tự an toàn giao thông tính đến hết tháng Một năm 2016 toàn Thành phố đã xảy ra 125 vụ tai nạn giao thông với 49 người bị chết, có 104 người bị thương do tai nan giao thông.

* Tình hình trật tự an toàn xã hội trong 9 ngày tết Bính Thân (từ ngày 6/2 đến ngày 14/2)

Đã phát hiện 65 vụ phạm pháp hình sự, trong đó do công an khám phá được 46 vụ, số đối tượng bị bắt, giữ theo luật 50 người.

Bắt 3 vụ, với 3 đối tượng buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy, thu được 1,4g heroin; 14,3g ma túy tổng hợp. Trước và trong tết mua bán, sử dụng pháo trái phép đã phát hiện 27 vụ, 36 đối tượng, thu được 677 kg pháo, khởi tố 8 vụ, xử lý hành chính 4 vụ, nộp ngân sách 18 triệu đồng.

Toàn Thành phố đã xảy ra 9 vụ tai nạn giao thông với 11 người chết và 8 người bị thương do tai nạn giao thông.

6. Thị trường chứng khoán.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/2, trên cả hai sàn chứng khoán (HNX và Upcom) do Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội quản lý có 644 doanh nghiệp niêm yết (trong đó, tại HNX có 380 doanh nghiệp niêm yết; tại Upcom có 264 doanh nghiệp đăng ký giao dịch), với tổng giá trị niêm yết đạt 165.482 tỷ đồng, tăng 5,8% so đầu năm (trong đó, giá trị niêm yết tại HNX đạt 107.092 tỷ đồng, tăng 1,1%; tại Upcom đạt 58.390 tỷ đồng, tăng 15,7%). Giá trị vốn hóa toàn thị trường đạt 215.033 tỷ đồng, tăng 1,1% so đầu năm.

Thị trường cổ phiếu niêm yết (HNX): Những bất ổn trên thị trường tài chính, thị trường hàng hóa toàn cầu, cùng với đó kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài đã ảnh hưởng đến tâm lý giao dịch của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/2, chỉ số HNX-Index đạt 77,97 điểm, giảm 1,99 điểm tương đương mức giảm 2,5% so đầu năm. Trong 7 phiên giao dịch đầu tháng Hai, khối lượng giao dịch đạt 219 triệu CP được chuyển nhượng, với giá trị chuyển nhượng đạt 2.106 tỷ đồng. Bình quân một phiên có 31,3 triệu CP được chuyển nhượng, với giá trị chuyển nhượng đạt 301 tỷ đồng, bằng 70,8% về khối lượng và 72,4% về giá trị so bình quân chung tháng Một. Lũy kế từ đầu năm, khối lượng giao dịch đạt 1.101 triệu CP được chuyển nhượng, giá trị chuyển nhượng đạt 10.414 tỷ đồng, bằng 82,9% về khối lượng và 62,1% về giá trị so cùng kỳ năm 2015.

Thị trường giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết (Upcom):  Trong 7 phiên giao dịch đầu tháng Hai, khối lượng giao dịch đạt 29 triệu CP, với giá trị giao dịch đạt 307 tỷ đồng. Bình quân một phiên có 4,1 triệu CP được chuyển nhượng, với giá trị chuyển nhượng đạt 43,9 tỷ đồng, bằng 50,1% về khối lượng và 35,1% về giá trị so bình quân chung tháng trước. Lũy kế từ đầu năm, khối lượng giao dịch đạt 192 triệu CP được chuyển nhượng, với giá trị chuyển nhượng đạt 2.810 tỷ đồng, tăng 175,9% về khối lượng và 162,9% về giá trị so cùng kỳ năm trước.

Hoạt động cấp mã giao dịch và tài khoản của các nhà đầu tư: Tháng Một, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) đã cấp được 149 mã số giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài (trong đó: Tổ chức 32; cá nhân 117). Lũy kế từ trước đến hết tháng Một, VSD đã cấp được 18.670 mã giao dịch cho các nhà đầu tư nước ngoài (trong đó: Tổ chức 2.840; cá nhân 15.830). Số tài khoản của các nhà đầu tư được cấp mới trong tháng Một đạt 11.850 tài khoản (trong đó: Nhà đầu tư trong nước 11.729; nhà đầu tư nước ngoài 121), đưa tổng số tài khoản của các nhà đầu tư hiện có lên hơn 1.580 nghìn tài khoản.

 


HNP


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         Lấy lại mã bảo mật