Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 của Hà Nội tăng hơn 8% (06:53 04/02/2023)


HNP - Theo Cục Thống kê Hà Nội, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 năm 2023 của thành phố Hà Nội ước đạt 68,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8,3% so với tháng trước và tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.


Tháng Một năm nay trùng vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão nên nhu cầu tiêu dùng của người dân những ngày sát Tết tăng khá cao. Chia theo ngành hoạt động: Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 46,4 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% và tăng 16,7%, trong đó: Lương thực, thực phẩm tăng 13,8% và tăng 19,1%; đá quý, kim loại quý tăng 12,8% và tăng 19,7%; đồ dùng dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 7,2% và tăng 16,2%; xăng dầu tăng 7,1% và tăng 18,4%; nhiên liệu tăng 16,6% và tăng 27,8%; hàng hóa khác tăng 13,3% và tăng 18,9%. Doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 6,4 nghìn tỷ đồng, tăng 7,1% và tăng 29,3%; doanh thu du lịch, lữ hành đạt 1,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% và gấp 3,3 lần cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ khác đạt 14,3 nghìn tỷ đồng, tăng 4,9% và tăng 10,6%.

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội về việc tổ chức phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, các doanh nghiệp đã xây dựng và tổ chức khai thác lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng từ 15% - 30% so với Kế hoạch Tết 2022. Ước tính tổng lượng hàng hoá dự trữ của hệ thống phân phối, bán lẻ trên địa bàn Thành phố phục vụ thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán trị giá khoảng 39,5 nghìn tỷ đồng, tăng 15% so với thực hiện Tết năm 2022 . Triển khai tổ chức chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Thành phố với 37 đơn vị sản xuất, kinh doanh của Hà Nội và các tỉnh, thành phố tham gia, thực hiện cung ứng hàng hóa tới hơn 13,8 nghìn điểm bán, trong đó có 132 siêu thị; trên 8 nghìn cửa hàng kinh doanh tổng hợp và chuyên doanh; 1,3 nghìn sạp hàng tại các chợ truyền thống và 517 bếp ăn tập thể.

Thành phố đã triển khai tổ chức các hoạt động phục vụ Tết tại 28 trung tâm thương mại, 132 siêu thị, 453 chợ, trên 2 nghìn cửa hàng tiện ích, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, thị trấn; 128 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản an toàn, kết nối với 926 đầu mối, chuỗi, cơ sở cung ứng nông, lâm, thủy sản của 43 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tổ chức hơn 40 sự kiện, hội chợ, tuần hàng giới thiệu sản phẩm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân tại các quận, huyện, thị xã, các khu công nghiệp; 86 điểm bán sản phẩm OCOP và 91 điểm chợ Hoa Xuân phục vụ Tết. Hỗ trợ giới thiệu trên 2.500 sản phẩm OCOP các tỉnh, thành phố về thị trường Hà Nội, kết nối tiêu thụ lượng hàng từ các tỉnh, thành phố với 420 nghìn tấn hàng hóa. Tăng cường 131 xe chở hàng hóa thiết yếu của 23 doanh nghiệp để đảm bảo lưu thông hàng hóa phục vụ nhu cầu người dân trong dịp Tết. Song song với việc chuẩn bị nguồn hàng phục vụ nhân dân trong dịp Tết, Thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan chú ý không để đứt gãy chuỗi cung ứng, khan hiếm hàng hóa, khiến giá cả bị đẩy lên cao; đảm bảo nguồn hàng phong phú, đa dạng, giá cả ổn định phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết.

Nguồn: Cục Thống kê Hà Nội


Ngọc Định


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         Lấy lại mã bảo mật