Ý kiến đóng góp về vấn đề làm thế nào để cân bằng giới tính (09:41 27/05/2016)


HNP - Ngày 26/5/2016, Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội nhận được ý kiến của công dân Nguyễn Hữu Thỉnh (địa chỉ email: ledinhhuy238@gmail.com) về vấn đề làm thế nào để cân bằng giới tính với nội dung như sau:


Kỳ bầu cử Quốc Hội và HĐND các cấp vừa qua đã đạt được kết quả tốt đẹp. Cử tri chúng tôi đã tin tưởng bầu ra các đại biểu, mong rằng các đại biểu phát huy trách nhiệm và thay mặt cử tri chúng tôi có tiếng nói bênh vực cho nhân dân ngay từ đầu không chờ đến phiên họp cuối nhiệm kỳ của Quốc hội. Như các vấn đề dân sinh kinh tế, an ninh trật tự và các nguyện vọng chính đáng của cử tri, nhất là tình trạng tham nhũng, hối lộ, các tiêu cực xã hội, thái độ vo cảm của một số cơ quan và nhà chức trách, vấn đề bảo vệ người tiêu dùng v.v... Nhân dịp này xin được đề cập đến một vấn đề mà chúng tôi đã đề nghị khá lâu song chưa có phản hồi, đó là:
 
Gần đây có một số bài báo bàn thảo về vấn đề “Những gia đình sinh con một bề là gái theo đúng chính sách gia đình có từ 1-2 con, sẽ được Nhà nước hỗ trợ…” Quả thật, đây là chuyện rất nhạy cảm và khá hệ trọng chứ không đơn giản như một số người thường nghĩ. Là những trường hợp sinh con một bề (2 con gái theo chính sách  D.S KHHGĐ của Đảng và nhà nước) chúng tôi thấy mình được an ủi phần nào. Điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước tới dân sinh, kinh tế với một quan điểm nhân văn sâu sắc. Có rất nhiều ý kiến khác nhau đề cập trên nhiều khía cạnh của vấn đề, song hình như chưa có ý kiến nào đi thẳng vào nội dung cơ bản và là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng mất cân bằng giới tính dân số nước ta  hiện nay. 
 
Theo suy nghĩ của chúng tôi, sự mất cân bắng giới tính bắt đầu xuất hiện khi chúng ta có cuộc vận động “sinh đẻ có kế hoạch”. Cụ thể là vận động mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có 2 con, đặc biệt là từ khi mục tiêu này được đưa vào khung pháp lý. Đồng hành với đó là sự phát triển của khoa học công nghệ sinh học, kỹ thuật siêu âm phát hiện giới tính thai nhi khá sớm. Trước kia, khi chưa có cuộc vận động nói trên (hoặc những nơi, vùng chưa tiếp thu và thực hiện tốt tinh thần cuộc vận động này) đâu có mất cân bằng giới tính khi sinh con, nếu có cũng không đáng kể. Vậy tại sao lại có tình trạng người mẹ mang thai khi siêu âm biết giới tính của đứa con trong bụng là gái thì thường tìm cách nạo, phá nếu chưa có 1 trong 2 con là trai? Ngược lại, cặp vợ chồng nào đó sinh được 2 con trai thì ít thấy ai nạo bỏ. Đó là hệ lụy của tư tưởng trọng nam khinh nữ từ xa xưa ở nước ta và cũng là thực tiễn do cha ông, tổ tiên để lại. Một phong tục tập quán: chỉ khi nào có con là trai thì mới có người kế nối sự nghiệp cuả dòng họ, tổ tiên. Con gái lớn lên lấy chồng, gánh vác sự nghiệp nhà chồng thì cũng coi như không còn cơ hội nối dõi dòng họ đã sinh ra mình vì đứa con ra đời nó chỉ mang họ của bố. Dòng tộc nào mà độc đinh lại không có con trai thì coi như chấm hết. Theo quan niệm của các cụ ngày xưa, trong các tội bất hiếu với cha mẹ, ông bà, tổ tiên thì việc không sinh được con trai để nối dõi tông đường là tội đại bất hiếu. “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Vì thế, các đấng nam nhi, bất kể vua quan hay thường dân, đều phải bằng mọi cách để có con trai, dù cưới đến năm thê, bẩy thiếp cũng không sao. Có như vậy mới tránh được tội bất hiếu. Và vì vậy phải tìm mọi cách để có con trai.
 
Mặt khác, theo lệ thường trong nhân dân, khi người ta trưởng thành đến tuổi xây dựng gia đình đều tuân thủ nguyên tắc: “thuyền theo lái, gái theo chồng”. Người con gái lấy chồng, chỉ lo toan sự nghiệp nhà chồng, còn cha mẹ đẻ thì tùy tâm, được đến đâu hay đến đó. Ngay cha mẹ đẻ cũng không oán trách chi con gái, nếu nó theo chồng đi xa không thể làm tròn bổn phận chăm nom cha mẹ lúc về già. Nếu ai đó không có con trai thì khi trời chiều xế bóng không nơi nương tựa, đó là điều đáng phải băn khoăn lo lắng (cho dù có khi, con trai cũng chẳng nuôi nổi bố mẹ ngày nào). Nói chung là như vậy, không ai chối cãi được. Đất nước ta tuy đã giành được Độc lập hơn 70 năm, về cơ bản nhân dân ta vẫn đi theo phong tục tập quán cũ. Cho đến bây giờ, ngoài những người vô tư hoặc chấp hành nghiêm pháp lệnh của Nhà nước, Nghị quyết của đoàn thể, còn lại người ta tìm cách “lách luật” để có con trai. Bằng cách siêu âm giới tính thai nhi rồi nạo phá nếu biết chắc là con gái (mà hành động này, quả thật mất nhân tính, rất xót xa, theo đạo Phật tội ấy rất nặng, khi qua đời sẽ bị đầy xuống địa ngục.). Nếu không làm vậy, họ có thể tìm cách sinh con ngoài giá thú, hoặc cố tình đẻ con thứ  ba.v.v… Người không có con trai, nhiều khi còn bị chê là “dốt…”,  những ai tuân thủ nghiêm kỷ luật của tổ chức, gương mẫu chấp hành cuộc vận động chỉ sinh ít con, dù một bề gái, ở góc độ nào đó sẽ bị thiệt thòi. Ngoài ra, hủ tục cứ phải sinh bằng được con trai, nó còn để lại biết bao phức tạp cho xã hội và làm đau khổ cho nhiều chị em phụ nữ không may mắn.
 
Vì vậy để giải quyết mất cân bằng giới tính phảỉ nhìn thẳng vào sự thật, nhằm trúng vào cốt lõi của vấn đề để hoạch định chính sách đúng đắn, chính xác. Chẳng hạn như ở Hàn Quốc bây giờ, con gái cũng có trách nhiệm như con trai, có quyền làm các công việc của con trai như: thờ cúng, chăm sóc bố mẹ.v.v… Như vậy, họ sẽ yên tâm trong việc sinh con dù trai hay gái. Mặt khắc, theo chúng tôi, để giải quyết khâu nối dõi tông đường mấu chốt này thì ngoài vấn đề: con trai hay con gái cũng có quyền phụng dưỡng, thờ cúng cha mẹ tổ tiên ngang nhau, như Hàn Quốc đang thực hiện, thì mỗi cặp vợ chồng sinh hai con có quyền chọn 1 trong 2 người con của mình được mang họ mẹ, con còn lại mang họ bố. Như vậy dòng họ nào cũng có người người nối dõi tông đường, cho dù sinh con toàn gái. Đây là vấn đề có vẻ kỳ lạ và mới mẻ, ít ai nghĩ tới hoặc không muốn đụng chạm đến. Tuy nhiên, chỉ có làm như thế mới giải quyết được tận gốc vấn đề mất cân bằng nam nữ và mới có bình đẳng giới thực sự cho chị em phụ nữ. Khi bàn đến bình đẳng giới  và mất cân bằng giới tính dân số hiện nay mà không đặt vấn đề này ra  một cách nghiêm túc thì vẫn không giải quyết được triệt để (như tình trạng ở Trung Quốc nhiều năm nay). Thời đại mới thì chuyện gì cũng có thể đổi mới, cốt sao sự đổi mới ấy là đúng đắn, có kết quả tốt, phù hợp và tiến bộ. Trong từng dòng họ hay cá nhân có thể không muốn làm, hoặc không dám làm nhưng khi đã có trong văn bản pháp quy thì không thể không làm. Đồng thời Nhà nước cũng chỉ rõ trách nhiệm của con rể, con dâu, con trai, con gái đều có bổn phận nuôi dưỡng cha mẹ, không nhất thiết cứ là gái thì phải về phụng sự nhà chồng mà thiếu quan tâm đến cha mẹ đẻ. Việc con gái hay con trai ở đâu là do hoàn cảnh cụ thể từng gai đình và hai bên thông gia thống nhất, tự nguyện, con rể ở bên nhà vợ cũng là chuyện bình thường. Giải quyết được vấn đề cơ bản trọng yếu này thì chẳng cần phải ưu đãi cho những đôi vợ chồng sinh 2 con một bề là gái nữa. Tuy nhiên trong tình hình cụ thể của nước ta hiện nay thì việc Nhà nước động viên khích lệ những người sinh đẻ đúng kế hoạch, mà chỉ có 2 con gái là một chính sách cần thiết, rất nhân văn. Đại diện cho các cử tri tôi xin được gửi tới quý đại biểu và quý cơ quan những điều tâm huyết nhất, mong được quý cấp quan tâm.
 
Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội đã tiếp nhận ý kiến đóng góp của ông/bà và đã chuyển đến cơ quan chuyên môn.
 
Trân trọng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp của ông/bà!

HNP


Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         Lấy lại mã bảo mật