Ý kiến phản ánh của công dân về công tác tổ chức biểu diễn nghệ thuật (13:42 05/12/2012)


 HNP – Ngày 03/12/2012, Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội nhận được ý kiến của công dân Nguyễn Quốc Anh (địa chỉ email: nguyenquocanh77@yahoo.com) về công tác tổ chức biểu diễn nghệ thuật, với nội dung như sau: 


Tôi có ông bạn văn nghệ rất say mê giọng hát Thanh Lam & Tùng Dương. Vì quá yêu mến 2 giọng ca này nên ông bạn tôi nắm rõ thông tin của thần tượng mình đến từng centimet. Vài hôm trước, bạn tôi gọi điện rủ đi xem chương trình “Tùng Dương hát tình ca” ở nhà hát Thành Phố. Vốn say mê tình ca từ thuở học sinh, nay lại được biểu diễn bởi 3 giọng ca tiêu biểu của âm nhạc Việt đương đại, tôi cũng háo hức chẳng kém gì ông bạn vàng của mình, chúng tôi quyết định mua vé sớm để có chỗ ngồi tốt. 

Vào google, gõ từ khóa “Tùng Dương hát tình ca”, tôi vào được facebook của chàng ca sĩ được giới báo chí tặng cho nghệ danh “giọng hát con cò”. Trước mắt tôi là poster rất đẹp với đầy đủ thông tin về chương trình. Tôi cầm điện thoại gọi cho số phone của tổng đài đặt vé 098.768.5959. Ở đầu dây bên kia, giọng nói của cô gái xứ Bắc ấm áp và êm ái làm sao! Cô hẹn tôi đến nhà hát Thành phố để tự chọn chỗ ngồi theo ý muốn bằng ngữ điệu ngọt ngào như rót mật vào tai. Tôi như kẻ say nắng được uống 1 cốc nước vừa dịu ngọt vừa tươi mát khiến tâm trạng sảng khoái và cực kì phấn khởi.
 
15h, tôi có mặt trước cổng nhà hát Thành Phố. Cổng bên trái nhà hát rộng mở chào đón khách. Trên cổng, thông tin giờ mở cửa buổi chiều của phòng vé được treo rất “hiên ngang” từ 13h đến 16h30. Tôi mạnh dạn dắt xe vào cổng, tấm poster chương trình được trưng bày ngay quầy bán vé. Tôi vui mừng vì mình đã vào được nơi muốn vào. Tới quầy vé, tôi nhìn tới rồi nhìn lui, nhìn qua rồi nhìn lại cũng chả thấy ai trực quầy. Ngước nhìn lên tầng lửng của nhà hát, tôi gọi với 2 cô nhân viên đang ngồi tán gẫu với nhau. “Chị ơi vui lòng cho tôi mua vé xem chương trình Tùng Dương hát tình ca”. Một chị từ trên vọng xuống: “Tối nay hoặc ngày mai anh quay lại nhé, chị bán vé bận họp rồi”. Tôi làu bàu “Bán vé kiểu này thì đâu cần khán giả”. Nghe tôi phản ứng, chị không nói 1 lời, chỉ liệng cái liếc mắt đanh sắc về phía tôi với vẻ mặt đầy thách thức.
 
Phóng xe 15km rồi phải quay về ư? Xúi quẩy vậy sao? Tôi không thể cam chịu như thế. Bấm máy gọi lại số 098.768.5959 thì không có ai nghe máy, tôi thử vận may với số máy thứ 2 là 012.725.11111. Đầu dây bên kia đã có người nghe máy, tôi thầm mừng rỡ và “Alô, alô, … alô”. Không có ai trả lời ngoài hỗn hợp giọng nói của người lớn, trẻ con, giọng nam và giọng nữ. Tôi tắt máy và kiên nhẫn gọi lại lần thứ 2 với số phone này. Lần này, người tiếp chuyện tôi là 1 thanh niên miền Bắc, anh xin lỗi tôi vì nhân viên không có mặt ở quầy vé và hứa gọi họ về sớm nhất có thể. 
 
Khoảng 15 phút sau, cô nhân viên phụ trách vé cũng trở về nơi cô phải ngồi đón khách. Cô ríu rít xin lỗi vì có việc riêng bên tòa nhà Vincom gần đó. Cô đem sơ đồ chỗ ngồi cho tôi xem và chỉ rõ chỗ nào đã được đánh dấu thì đã có người mua rồi, ô nào còn trắng thì tôi có quyền chọn. Tôi quan sát những dãy ghế giá 600,000 VND và 800,000VND và hỏi cô những vị trí này. Cô “buồn bã” thông báo: “Hiện tại em chỉ cầm trong tay những vị trí có giá từ 1,500,000VND trở lên, còn những vé giá thấp hơn thì nhân viên của nhà hát đang nắm giữ, anh thông cảm”. Tôi thất vọng và gọi cho ông bạn của mình với tâm trạng đầy ngao ngán. 
 
Biết tôi không có khả năng mua những vị trí xem từ 1,500,000VND trở lên, cô đon đả: “Nếu anh muốn mua những vị trí 600,000VND hay 800,000VND thì anh thanh toán tiền ở đây, nhưng ngày mai anh đến nhận vé giúp em, hoặc tới ngày biểu diễn anh lấy cũng được”. Tôi bắt đầu ngao ngán với tác phong làm việc thiếu chuyên nghiệp của êkíp chương trình và nghi ngờ tính trong sạch của cô nhân viên phòng vé và trả lời “Tôi đi xem ca nhạc rất nhiều nơi và chưa bao giờ tôi gặp tình huống bất thường như thế. Tôi sẽ phản ánh sự việc này đến ca sĩ Tùng Dương, đơn vị tổ chức, báo giới và tất cả những cơ quan đoàn thể nào có thể”. Thái độ mềm mỏng lịch thiệp của cô gái làm tôi xiêu lòng từ sáng vụt biến mất. Nét mặt và giọng nói của cô đanh lại “Anh phải biết nhập gia mà tùy tục, em sẽ cho anh số điện thoại của Phó Giám đốc nhà hát Thành phố cùng 50 nhà báo mà em quen biết để anh thoải mái mà phản ánh nhé”. 
 
Theo như lời nhắn nhủ của cô phụ trách vé, khán giả đi xem nhạc phải biết “nhập gia tùy tục” nghĩa là, khán giả đến nhà hát Thành phố để xem văn nghệ phải chấp hành vô điều kiện cái “nếp” giờ giấc và tác phong tùy tiện của nhân viên ở đây, đặc biệt là chỉ xuất vé cho những vị trí cao giá, còn những dãy ghế tép riu phải biết thân biết phận mà đừng đòi hỏi được công bằng.
 
Thiết nghĩ, ở 1 nơi là trung tâm của Thành phố năng động nhất Việt Nam lại tồn tại 1 đơn vị hoạt động nghệ thuật quan liêu trong tư duy, tùy tiện trong công việc, đen tối trong hành động và nghèo nàn ở tấm lòng thì đất nước bao giờ mới hết tụt hậu?
 
 
Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội đã tiếp nhận ý kiến của ông và đã chuyển đến cơ quan chuyên môn.
Trân trọng!
 

HNP


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         Lấy lại mã bảo mật