Tình hình kinh tế - xã hội tháng Hai năm 2007 (00:00 22/03/2007)


1. Sản xuất công nghiệp Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội tháng Hai năm 2007 tăng 10,9% so cùng kỳ năm trước, trong đó kinh tế Nhà nước giảm 0,9% (kinh tế Nhà nước Trung ương tăng 4,2%, kinh tế Nhà nước Địa phương giảm 16,3%), kinh tế ngoài Nhà nước tăng 25,5% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 14,9%.



Dự kiến 2 tháng năm 2007, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn Hà Nội tăng 16,3% so cùng kỳ năm 2006 trong đó kinh tế Nhà nước tăng 1,3% (kinh tế Nhà nước Trung ương tăng 4%, kinh tế Nhà nước Địa phương giảm 7%), kinh tế ngoài Nhà nước tăng 33,4% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 21,8%.

* Sản xuất công nghiệp trung ương:Giá trị sản xuất công nghiệp Trung ương tháng Hai năm 2007 tăng 4,2% so cùng kỳ năm trước với 11/21 ngành sản xuất tăng trong đó một số ngành sản xuất tăng khá là: sản xuất khoáng phi kim loại (tăng 53,8%), sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (tăng 28,4%), sản xuất cao su plastic (tăng 23%), sản xuất thiết bị điện (tăng 21,3%)... Có 10/21 ngành sản xuất giảm là: sản xuất thuốc lá (giảm 9,5%), sản xuất đồ da (giảm 64,9%), chế biến gỗ lâm sản (giảm 50,1%), sản xuất hoá chất (giảm 7,9%), sản xuất sản phẩm bằng kim loại (giảm 13,3%), chế tạo thiết bị máy móc (giảm 24,8%), sản xuất ti vi thiết bị thông tin (giảm 4,7%), sản xuất dụng cụ chính xác (giảm 4,8%), sản xuất xe có động cơ (giảm 39,8%), sản xuất giường tủ đồ khác (giảm 9,1%). Nguyên nhân các ngành sản xuất giảm chủ yếu là do trong và sau Tết Nguyên đán một số doanh nghiệp nghỉ tết và sản xuất cầm chừng

* Công nghiệp Nhà nước Địa phương:Giá trị sản xuất công nghiệp Nhà nước Địa phương tháng Hai năm 2007 giảm 23% so tháng trước và giảm 6,3% so cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân sản xuất giảm là do tháng Hai năm 2007 có nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài và sau Tết Nguyên đán sản xuất cầm chừng.

Dự kiến 2 tháng năm 2007, giá trị sản xuất công nghiệp Nhà nước Địa phương giảm 7% so cùng kỳ năm trước, nguyên nhân do sản xuất trong và sau Tết Nguyên đán giảm, và với 16 doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hoá trong năm 2006 vốn Nhà nước nhỏ hơn 50% đã chuyển sang khu vực kinh tế ngoài Nhà nước và một số doanh nghiệp Nhà nước Địa phương gặp khó khăn trong sản xuất, chuyển đổi sản phẩm chậm và chưa chú trọng đầu tư chiều sâu để mở rộng sản xuất (Công ty Giầy Ngọc Hà, Công ty TNHH một thành viên Giầy Thuỵ Khuê, Công ty Dệt kim Thăng Long...)

* Công nghiệp ngoài Nhà nước:Giá trị sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước tháng Hai năm 2007 giảm 24,1% so tháng trước và tăng 25,5% so cùng kỳ năm trước. So cùng kỳ năm trước, sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước tăng cao hơn, nguyên nhân do số lượng doanh nghiệp mới thành lập đi vào hoạt động tăng nhiều và một số doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hoá có vốn Nhà nước nhỏ hơn 50% đã chuyển vào thành phần kinh tế ngoài Nhà nước.

Dự kiến 2 tháng năm 2007, giá trị sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước tăng 33,4% so cùng kỳ năm trước, trong đó: công ty TNHH tư nhân tăng 19,1%, công ty cổ phần khác tăng 67,6%, doanh nghiệp tư nhân tăng 15,8%, hợp tác xã tăng 3,5%, hộ cá thể tăng 9,5%. Có 13/14 quận huyện sản xuất tăng trong đó có nhiều quận, huyện sản xuất tăng khá: Ba Đình tăng 25,9%, Long Biên tăng 23,1%, Hoàng Mai tăng 30,5%, Cầu Giấy tăng 24,9%... Riêng quận Tây Hồ sản xuất giảm 5,9% do một số doanh nghiệp lớn hiện đã chuyển ra một số tỉnh ngoài sản xuất (Công ty khoá Huy Hoàng, Doanh nghiệp tư nhân Công Minh chuyển về Vĩnh Phúc...)

* Sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài:Giá trị sản xuất khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tháng Hai giảm 28,3% so tháng trước và tăng 14,9% so cùng kỳ năm trước.

Dự kiến 2 tháng đầu năm 2007, giá trị sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 21,8% so cùng kỳ năm trước với 10/20 ngành sản xuất tăng trong đó một số ngành sản xuất tăng khá: công nghiệp dệt (tăng 52,7%), xuất bản in (tăng 560,6%), sản xuất cao su plastic (tăng 71,7%), chế tạo thiết bị máy móc (tăng 39%), sản xuất kim loại (tăng 28,1%), sản xuất phương tiện vận tải khác (tăng 54,9%)... Có 10/20 ngành sản xuất giảm là: chế biến thực phẩm (giảm 10,6%), sản xuất trang phục (giảm 0,3%), chế biến gỗ, lâm sản (giảm 27,5%), sản xuất hoá chất (giảm 20,8%), sản xuất khoáng phi kim loại (giảm 0,7%), sản xuất kim loại (giảm 75,2%), chế tạo thiết bị máy móc (giảm 20,9%), sản xuất thiết bị điện (giảm 10,6%), sản xuất ti vi thiết bị thông tin (giảm 15,6%)

2. Xây dựng cơ bản

Ước tính tháng 2 năm 2007, vốn đầu tư xây dựng cơ bản ngân sách nhà nước địa phương đạt 355 tỷ đồng, giảm 8,1% so tháng trước.

Tiến độ một số công trình lớn:

- Đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa: Hiện nay, còn 6 chủ đất chưa nhận tiền và bàn giao mặt bằng thuộc tổ 47 phường Phương Liên. Dự kiến thông tuyến 6 làn xe cơ giới từ đầu tuyến Phạm Ngọc Thạch đến đường Nguyễn Lương Bằng trước ngày 15/2 và hoàn thành dự án trong tháng Tư năm 2007.

- Nút giao thông Kim Liên: Nhà thầu đã và đang di chuyển tuyến ống cấp nước, điện lực, chiếu sáng đảm bảo mặt bằng thi công dự án. Nhà thầu đã thi công hoàn thành hệ thống dầm đỡ đường sắt, lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông, dỡ bỏ rào chắn khu vực trung tâm nút giao thông.

- Nút giao thông Ngã Tư Sở: Nhà thầu đang tiếp tục tiến hành di chuyển đợt 2 các tuyến thông tin bưu điện, thoát nước, điện lực đáp ứng mặt bằng thi công gói thầu chính. Riêng hầm cho người đi bộ dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trong tháng 5 năm 2007.

- Dự án Cầu Vĩnh Tuy: Nút giao thông hai bên cầu hiện vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng để bàn giao cho nhà thầu, dự kiến đến hết tháng 2 sẽ cơ bản hoàn thành. Đoạn cầu vượt hai bên đê đang được lắp dầm và đang tiến hành lao lắp dầm ở đốt K0 của các trụ được thi công bằng công nghệ đúc hẫng.

- Dự án đường 5 kéo dài: Đang làm thủ tục giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp và triển khai nhà tái định cư cho huyện Đông Anh và Từ Liêm còn tại quận Long Biên đang tiến hành giải phóng mặt bằng di chuyển 700 hộ dân và dự kiến hoàn thành trong năm 2007. Cầu Đông Trù (Gói thầu 12) đang tiến hành thi công cọc khoan và kiểm định ngay từng hạng mục.

- Dự án Bắc Thăng Long - Vân Trì: Hoàn thành tuyến dẫn nước thải từ khu công nghiệp Thăng Long đến nhà máy xử lý nước thải phục vụ công tác nghiệm thu nhà máy. Cầu vượt nút giao thông Kim Chung, cầu C qua kênh Việt Thắng dọc đường bắc Thăng Long - Nội Bài đang được tập trung thi công để hoàn thành trong tháng 9/2007. Về công tác GPMB: còn phải thu hồi 2,5ha đất khoán thầu và đất nghĩa trang tại các xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc, Kim Nỗ, Võng La; còn 49 hộ dân thuộc xã Hải Bối hội đồng GPMB huyện Đông Anh đang công khai các phương án và hiện còn thiếu 60 lô đất (khoảng 10.000 m2) để tái định cư cho các hộ dân ở xã Hải Bối.

3. Thương mại - dịch vụ

* Nội thương:Dự kiến tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn Hà Nội tháng Hai năm 2007 tăng 5,7% so tháng trước (bán lẻ tăng 6,8%) và tăng 28% so cùng kỳ năm trước (bán lẻ tăng 31,2%). Ngành thương mại trong các tháng có Tết Nguyên đán bao giờ cũng có doanh thu bán hàng cao nhất so với các tháng trong năm do nhu cầu mua sắm của nhân dân trong dịp Tết cổ truyền cao, mặc dù giá cả các mặt hàng đều có tăng song sức mua không giảm.

Dự kiến 2 tháng đầu năm 2007, tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn Hà Nội tăng 24,6% so cùng kỳ trong đó doanh thu bán lẻ tăng 26,3%

* Ngoại thương:Tháng Hai năm 2007 so tháng trước kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội giảm 5,9% trong đó xuất khẩu địa phương giảm 7,3%, kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn Hà Nội giảm 6,9% trong đó nhập khẩu địa phương giảm 8,8%. Nguyên nhân giảm, do tháng Hai là tháng có Tết Nguyên đán, thị trường xuất nhập khẩu thường không sôi động bằng các tháng khác trong năm.

Dự kiến 2 tháng đầu năm 2007 so cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội tăng 25,3% trong đó xuất khẩu địa phương tăng 26,8%, kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn Hà Nội tăng 11,9% trong đó nhập khẩu địa phương tăng 14,4%.

* Du lịch:Tháng Hai năm 2007, dự kiến khách quốc tế đến Hà Nội là 130 ngàn khách tăng 2% so tháng trước và tăng 8% so cùng kỳ năm trước với công suất khách sạn 3-4 sao đạt 85-95%, còn khách sạn 5 sao không còn chỗ vì hầu hết khách đặt từ nhiều tháng trước. Khách nội địa đến Hà Nội trong tháng Hai năm 2007 khoảng 400 ngàn lượt khách, ít hơn so tháng trước, tuy vậy khách Hà Nội đi du xuân nhiều sau dịp Tết Nguyên đán. Đây là quy luật đi du lịch sau Tết trong nhiều năm gần đây ở Hà Nội, ngành du lịch Hà Nội đã nắm bắt và chuẩn bị phục vụ tốt nhu cầu du lịch của nhân dân đến và đi du lịch ở Hà Nội.

* Giá cả thị trường:Chỉ số giá tiêu dùng tháng Hai năm 2007 tăng 2,09% so tháng trước và tăng 7% so cùng kỳ năm trước. Giá các mặt hàng tiêu dùng (nhất là các mặt hàng thực phẩm, giải khát) có xu hướng tăng nhanh cho đến ngày 29 Tết (16/2) và dừng lại ở mức cao những ngày sau Tết. So với tháng trước, các ngành hàng đều tăng giá (trừ ngành giao thông bưu chính viễn thông giảm 0,44%) trong đó tăng cao là các nhóm: hàng lương thực tăng 3,15%, thực phẩm tăng 3,63%, đồ uống và thuốc lá tăng 3,53%…, các nhóm hàng khác tăng nhẹ. Giá vàng tháng Hai 2007 tăng 1,7% so tháng trước và tăng 19,7% so cùng kỳ. Giá đôla Mỹ giảm 0,1% so tháng trước và tăng 0,63% so cùng kỳ năm trước.

* Vận tải:Tháng Hai năm 2007 so tháng trước khối lượng hàng hoá vận chuyển tăng 4,8%, khối lượng hàng hoá luân chuyển tăng 4,9%, khối lượng hành khách vận chuyển tăng 5,3%, khối lượng hành khách luân chuyển tăng 6,1%, doanh thu vận chuyển hàng hoá tăng 5% và doanh thu vận chuyển hành khách tăng 6,5%.

Dự kiến 2 tháng đầu năm 2007 so cùng kỳ năm trước, khối lượng hàng hoá vận chuyển tăng 11,2%, khối lượng hàng hoá luân chuyển tăng 13,1%, khối lượng hành khách vận chuyển tăng 14,3%, khối lượng hành khách luân chuyển tăng 18,2%, doanh thu vận chuyển hàng hoá tăng 20,1% và doanh thu vận chuyển hành khách tăng 19,3%.

Phục vụ Tết Nguyên đán năm nay, Công ty Quản lý bến xe Hà Nội đã chuẩn bị tốt việc tăng cường xe phục vụ cho mọi nhu cầu đi lại của nhân dân với dự kiến khách tập trung đi đông từ 9 đến 15/2 (tăng 1,5 đến 2 lần lượt khách trong 1 ngày so với ngày thường), dự kiến bến xe Nam sẽ phục vụ 35 đến 36 ngàn hành khách/ngày, bến xe Mỹ Đình phục vụ 7 đến 8 ngàn lượt khách/ngày, bến Gia Lâm phục vụ 12 đến 14 ngàn lượt khách/ngày… Các bến xe đều có kế hoạch trang trí, tổng vệ sinh bến xe sạch đẹp trong đợt phục vụ Tết Nguyên đán Đinh Hợi.

* Bưu chính viễn thông:Tháng Hai năm 2007, doanh thu bưu chính tăng 0,8% so tháng trước và doanh thu viễn thông tăng 0,5% so tháng trước.

Dự kiến 2 tháng đầu năm 2007, doanh thu bưu chính tăng 6,3% so cùng kỳ, doanh thu viễn thông tăng 4,3% so cùng kỳ. Tuy vậy số lượng điện thoại thu cước tăng thêm giảm 67,8% so cùng kỳ và số thuê bao Internet phát triển mới giảm 28,2% so cùng kỳ do thị trường viễn thông đã gần bão hoà nên bị thu hẹp.

4/ Sản xuất nông nghiệp

* Vụ đông 2006-2007:Tổng điện tích gieo trồng vụ đông ước đạt 11298 ha, bằng 97,3% so cùng kỳ năm trước. Đến nay, các quận, huyện đã cơ bản thu hoạch xong cây trồng vụ đông để gieo trồng cây vụ xuân với diện tích - năng suất dự kiến như sau: ngô 5989 ha (tăng 0,1% so cùng kỳ) đạt năng suất 28,8 tạ/ha (giảm 3,9%); khoai lang 1123 ha (giảm 11,3%) đạt năng suất 56,99 tạ/ha (tăng 6,5%); đỗ tương 402 ha (giảm 7,2%) đạt năng suất 10,64 tạ/ha (tăng 9,6%); lạc 255 ha (giảm 44,3%) đạt năng suất 10,19 tạ/ha (tăng 12,7%); rau các loại 2996 ha (bằng năm trước) đạt năng suất 164,23 tạ/ha (giảm 4,9%).

* Sản xuất vụ xuân 2007:Đến nay, toàn Thành phố đã gieo được 1906 ha mạ đạt 111% kế hoạch (giữa tháng 1/2007 thời tiết giá lạnh làm chết 7,2 ha mạ gieo chậm và không che phủ được ở Đông Anh). Từ cuối tháng 1 đến nay, thời tiết ấm lên, hồ Hoà Bình đã xả lũ, các huyện đã tranh thủ bơm nước vào đồng ruộng để kịp đổ ải và cấy lúa xuân đúng khung thời vụ với 8840 ha ruộng được đổ ải, đạt 51,2% kế hoạch, bằng 62,7% so cùng kỳ năm trước. Hiện nay đã cấy được 3025 ha lúa, đạt 17,5% kế hoạch và bằng 45,2% so cùng kỳ (năm nay cấy muộn hơn so cùng kỳ năm trước do khung thời vụ cấy lúa xuân muộn hơn). Cùng với việc gieo lúa xuân, toàn Thành phố đã gieo trồng được 6115 ha rau màu vụ xuân (bằng 92% so cùng kỳ năm trước) trong đó ngô 1685 ha, rau 1613 ha, lạc 1542 ha, đỗ tương 106 ha, hoa 503 ha và tập trung chăm sóc, tiêu thụ các loại hoa, cây cảnh, trái cây phục vụ Tết Nguyên đán Đinh Hợi.

* Trồng cây dịp Tết Nguyên đán Đinh Hợi: Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã có chỉ thị về tổ chức phát động phong trào “Tết trồng cây” xuân Đinh Hợi 2007 với kế hoạch: “Trồng 150 ngàn cây xanh phân tán các loại và tre chắn sóng bảo vệ đê, chăm sóc, quản lý, bảo vệ diện tích rừng tập trung hiện có và chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng có hiệu quả”. Đến nay, UBND các quận, huyện và các sở, ban, ngành có liên quan đã chỉ đạo, đôn đốc, tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương chuẩn bị vật tư, cây giống, kỹ thuật, địa điểm để thực hiện ra quân đồng loạt ngay từ những ngày đầu năm mới.

* Chăn nuôi, thuỷ sản:

Chăn nuôi vẫn phát triển ổn định, chưa phát hiện trường hợp cúm gia cầm nào xảy ra trên địa bàn Hà Nội. Các trạm thú y kết hợp với các ban ngành liên quan thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phát động công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc gia cầm trên mọi phương tiện thông tin. Huyện Gia Lâm ra quân đợt đầu tiến hành phun tiêu độc, khử trùng cho 7791 ngàn m2 chuồng trại, chợ và các cơ sở giết mổ; huyện Thanh Trì và Từ Liêm đã tiến hành tiêm phòng vắcxin chống cúm gia cầm cho 66500 con vịt… Hiện nay giá bán các sản phẩm chăn nuôi đang tăng lên, thuận lợi cho hộ chăn nuôi nên các hộ đang tập trung tiêu thụ gia súc gia cầm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán. Các hộ, trang trại chăn nuôi thuỷ sản đang tiếp tục chăm sóc, thu hoạch sản phẩm và cải tạo ao hồ chuẩn bị mùa nuôi mới.

5. Các vấn đề xã hội:

* Trật tự an toàn xã hội:

Tháng Một năm 2007, trên địa bàn Hà Nội đã phát hiện và xảy ra 431 vụ phạm pháp hình sự (giảm 44% so cùng kỳ năm trước nhưng tăng 11% so tháng trước) với 410 đối tượng bị bắt giữ theo luật (giảm 35% so cùng kỳ, tăng 17% so tháng trước).

Tổng số vụ buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ma tuý trong tháng Một năm 2007 là 135 vụ (tăng 2,3 lần so tháng trước) bắt giữ 160 đối tượng (tăng 2,3 lần ).

Số vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn Thành phố Hà Nội tháng Một năm 2007 là 62 vụ (giảm 38% so cùng kỳ, giảm 37% so tháng trước) làm chết 62 người (tương đương so cùng kỳ, giảm 37% so tháng trước) và làm bị thương 32 người (giảm 51% so cùng kỳ, giảm 47% so tháng trước).

Trong tháng Một năm 2007, xảy ra 26 vụ cháy nổ (giảm 5 vụ so cùng kỳ), không có ai bị chết và bị thương, nhưng làm thiệt hại tài sản giá trị khoảng 670 triệu đồng.

* Tình hình tổ chức đón Tết Đinh hợi 2007:

- Hoạt động văn hoá thông tin - thể dục thể thao và lễ hội dịp Tết Nguyên đán được chuẩn bị chu đáo với các hoạt động trọng tâm là trang trí, tuyên truyền, cổ động, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật, trưng bày hội báo xuân... nhằm tạo không khí vui tươi phấn khởi cho nhân dân Thủ đô đón xuân mới. Từ 7/2/2007 Hội chợ hoa Đinh Hợi được tổ chức tại phố Cao Thắng, Trung tâm triển lãm Nông nghiệp (số 2 Hoàng Quốc Việt), chợ hoa Hàng Lược... Đêm giao thừa, Thành phố Hà Nội tổ chức bắn pháo hoa tại 9 điểm thuộc khu vực hồ Hoàn Kiếm ( 2 điểm), Hồ Tây, hồ Ngọc Khánh, sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, khu đô thị Đền Lừ, sân vận động Đông Anh, vườn hoa Quận Long Biên và Huyện Sóc Sơn... Ngành Giao thông công chính Hà Nội tổ chức trang trí, chiếu sáng hoa cây cảnh và khánh tiết khu vực trung tâm, các khu vực vui chơi giải trí, các điểm di tích lịch sử, tham quan du lịch, vườn hoa công viên, bến tầu bến xe... đảm bảo chiếu sáng 98% các tuyến phố chính và 95% các khu vực khác.

- Công tác thăm hỏi, trợ cấp, giúp đỡ các đối tượng chính sách, đối tượng khó khăn và các đối tượng khác dịp Tết Nguyên đán được chú trọng: chuẩn bị quà và kinh phí để lãnh đạo Thành uỷ, HĐND, UBND Thành phố thăm và chúc Tết các lão thành cách mạng, các lãnh đạo Thành phố qua các thời kỳ, 46 đơn vị và 42 cá nhân gia đình chính sách — nhân sĩ — trí thức tiêu biểu... Thành phố chỉ đạo các phòng Lao động thương binh xã hội 14 quận, huyện thực hiện chuyển quà của Chủ tịch nước, UBND Thành phố tới người có công và chi trả trợ cấp ưu đãi tháng Hai trước ngày 10/2, tổ chức thăm hỏi, chúc Tết, tặng quà các đối tượng hưởng chính sách: gia đình liệt sĩ, thương binh, cán bộ công nhân viên hưu trí mất sức và hộ trợ các hộ nghèo trên địa bàn Thành phố Hà Nội với tổng số kinh phí 30,6 tỷ đồng.

Đảm bảo tốt trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán: Công an Thành phố phối hợp với thanh tra giao thông bảo đảm tốt an ninh trật tự tại các Hội chợ hoa, các điểm bắn pháo hoa; tăng cường tuần tra canh gác 24/24 giờ; bảo vệ an toàn các cơ quan Trung ương, các cơ quan Thành phố, các mục tiêu trọng điểm và các khu tập trung đông người. Bảo đảm tốt trật tự an toàn giao thông, ngăn chăn các hành vi phạm pháp, đề phòng cháy nổ, đua xe và ngăn chặn tệ nạn cờ bạc... Các cơ quan trên địa bàn Thành phố đều phân công trực Tết để nắm thông tin và xử lý công việc đột xuất kịp thời. Các ngành chức năng và các cấp chính quyền tăng cường kiểm tra kiểm soát thị trường, yêu cầu các doanh nghiệp, các nhà sản xuất kinh doanh thực hiện tốt văn minh thương mại, niêm yết công khai giá bán hàng hoá dịch vụ, chống buôn bán hàng giả, chống gian lận thương mại...

Đảm bảo tốt công tác y tế, phòng chống dịch bệnh, phòng chống ngộ độc thực phẩm: Sở Y tế Hà Nội phối hợp với các Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Thương mại, Công an Thành phố và chính quyền địa phương tổ chức các đoàn kiểm tra xử lý các vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân phòng bệnh, giữ gìn vệ sinh ăn uống không để xảy ra ngộ độc thức ăn tập thể, kiểm tra vệ sinh môi trường, phòng chống dịch cúm gia cầm, dập tắt ngay ổ dịch... được chú trọng. Sở Y tế Hà Nội đã bố trí nhiều trạm xe cấp cứu trong dịp Tết Nguyên đán. Công tác y tế dự phòng được chuẩn bị chu đáo. Công tác kiểm dịch tại cửa khẩu Nội Bài được tăng cường với sự thực hiện giám sát các chuyến bay, đo và kiểm tra thân nhiệt của 100% khách nhập cảnh theo quy định, đảm bảo chính xác, lịch sự, an toàn thuận tiện cho khách nhập cảnh.

Đảm bảo công tác vệ sinh môi trường toàn Thành phố Hà Nội, đặc biệt trong những ngày Tết để Thành phố luôn phong quang, sáng, sạch, không bụi... Phát động toàn Thành phố tổng vệ sinh vào ngày 10/2. Có kế hoạch thu gom và vận chuyển 100% rác thải không để tồn đọng với dự kiến ngày cao điểm có thể lên 4000 tấn (tăng 100% so ngày thường).

6. Tín dụng Ngân hàngDự kiến đến cuối tháng Hai năm 2007, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội đạt 250 330 tỷ đồng tăng 1,08% so với tháng trước và tăng 3,11% so cuối năm 2006, trong đó tiền gửi dân cư tăng 1,05% và 2,92%, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng 1,10% và 3,22%. Tổng dư nợ cho vay tháng Hai đạt 122 756 tỷ đồng tăng 1,04% so với tháng trước và tăng 2,98% so cuối năm 2006, trong đó dư nợ ngắn hạn tăng 1,00% và 3,02%, dư nợ trung và dài hạn tăng 1,10% và 2,90%.


thang 2 nam 2007.xls



Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         Lấy lại mã bảo mật