Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Hà Nội 8 tháng năm 2021 giảm (10:10 01/09/2021)


HNP - Theo Cục Thống kê Hà Nội, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng năm 2021 của thành phố Hà Nội ước đạt 349,5 nghìn tỷ đồng, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm 2020.  


Xét theo ngành hoạt động: Doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng đạt 244,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 69,9% tổng mức và giảm 0,8%. Trong đó: doanh thu đá quý, kim loại quý giảm 13,5%; gỗ và vật liệu xây dựng giảm 10,7%; ô tô con giảm 8,2%; phương tiện đi lại giảm 7,8%; hàng may mặc giảm 4,9%.

 

Doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 26 nghìn tỷ đồng, chiếm 7,4% và giảm 21,5%, cụ thể: dịch vụ lưu trú giảm 53,7%; dịch vụ ăn uống giảm 18,1%. Doanh thu du lịch lữ hành đạt 2,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,6% và giảm 50,3%. Doanh thu dịch vụ khác đạt 77,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 22,1% và giảm 13,4%.
 
Về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhân dân phòng chống dịch Covid-19: Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Thành phố đã chủ động đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân, không để xảy ra tình trạng tăng giá và khan hiếm hàng hóa. Theo đó, Thành phố có kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng lượng hàng hóa tăng gấp 3 lần so với tháng thường và dự trữ trong 3 tháng. Các hệ thống phân phối cũng đa dạng các hình thức bán hàng như: bán online trên nền tảng thương mại điện tử, bán hàng combo, đi chợ hộ, tổ chức bán hàng lưu động, đăng ký phục vụ 24/24 giờ tất cả các ngày trong tuần để phục vụ nhân dân. Các quận, huyện, thị xã đã xây dựng Phương án tổ chức triển khai điểm bán hàng lưu động trong tình huống dịch Covid-19 phức tạp, sẵn sàng kích hoạt 2.500 điểm bán hàng lưu động đã b trí. Đến nay đã có 09 quận tổ chức 45 điểm bán hàng lưu động, 63 điểm bán hàng dã chiến phục vụ nhân dân do trên địa bàn có chợ hoặc cơ sở kinh doanh phải đóng cửa vì xuất hiện ca mắc Covid-19. Tại khu vực bị cách ly, phong tỏa, các quận, huyện, thị xã đã bố trí Tổ Covid cộng đồng cùng các lực lượng liên quan có nhiệm vụ cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân một cách nhanh nhất, đầy đủ nhất. Thành phố đã thông báo công khai trên các phương tiện truyền thông danh sách 103 siêu thị tổng hợp, 449 chợ cung cấp lương thực, thực phẩm, 8.355 điểm bán hàng bình ổn giá tăng gấp 7 lần so với hàng năm triển khai Chương trình bình ổn thị trường để kịp thời phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
 
Thành phố cũng đã tổ chức 05 chương trình “Siêu thị mini 0 đồng - Hà Nội trái tim hồng” để hỗ trợ người nghèo, công nhân lao động trên địa bàn, dự kiến tiếp tục mở thêm 18 điểm trong thời gian tới.
Nhằm đảm bảo lưu thông hàng hóa, Thành phố đã xây dựng phương án huy động phương tiện phục vụ vận chuyển lưu thông hàng hóa là xe của các doanh nghiệp đang thực hiện sản xuất, kinh doanh; xe của các đơn vị vận tải trên địa bàn như: Tổng Công ty vận tải, Bưu điện Thành phố, các đơn vị logistics, thương mại điện tử, taxi, xe huy động của các địa phương;  kịp thời chỉ đạo các lực lượng chức năng tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Một số quận, huyện, thị xã đã bố trí các xe lưu động, xe điện cung ứng hàng hóa cho người dân  tại các vùng cách ly, phong tỏa. Đến ngày 20/8/2021, Thành phố đã cấp mã QR code đăng ký “Luồng xanh” cho 2.192 xe ô tô vận chuyển hàng hóa lĩnh vực công thương, cấp mã xác nhận cho 9.822 xe
mô tô, xe hai bánh phục vụ giao nhận hàng hóa thiết yếu của các doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp thương mại điện tử.

Nguồn: Cục Thống kê Hà Nội


Hải Vân


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         Lấy lại mã bảo mật