Kế hoạch số 37/KH - UBND ngày 07/4/2008 của UBND Thành phố Hà Nội. (08:00 01/06/2010)


Về việc triển khai thực hiện chương trình chỉnh trang, nâng cấp và tăng cường trật tự đô thị phục vụ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội


UỶ BAN NHÂN DÂN                                                                             CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
 THÀNH PHỐ HÀ NỘI                                                                                          Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
   _______________                                                                                                         _______________
Số: 37/KH - UBND                                                                                                     Hà Nội, ngày 07 tháng 4 năm 2008


                                                                      KẾ HOẠCH
                                  Triển khai thực hịên chương trình chỉnh trang, nâng cấp và tăng cường trật tự
                                                  đô thị phục vụ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội


                                                                                      _______________
Để triển khai thực hiện chương trình chỉnh trang, nâng cấp và tăng cường trật tự đô thị phục vụ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã được Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội khoá XII thông qua tại kỳ họp thứ 10, Uỷ ban nhân dân Thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức thực hịên như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:
- Nhằm chỉnh trang và tạo dựng cho Thủ đô Hà Nội diện mạo mới, khang trang - sạch đẹp - văn minh theo hướng hiện đại hóa, phát huy được giá trị vốn có của Thăng Long - Hà Nội 1000 năm văn hiến đồng thời khơi dậy niềm tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng của thành phố…
- Xây dựng và củng cố, tăng cường trật tự - kỷ cương - văn minh trong đời sống xã hội của nhân dân Thủ đô, chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN:
1.Chỉnh trang các khu vực trong nội thành, đầu tư cải tạo ở khu vực ngoại thành gắn kết giữa phát triển đô thị và xây dựng nông thôn.
2. Cải tạo, chỉnh trang kiến trúc các công trình mặt phố khu dân cư, tập trung cho một số tuyến đường, quảng trường, nút giao thông chính, các công trình văn hóa lịch sử, công viên - cây xanh - mặt nước mang tính đặc trưng để tạo dựng bộ mặt đô thị theo hướng văn minh - hiện đại (trụ sở các cơ quan hành chính, các doanh nghiệp, nhà dân, công trình công cộng…), các tuyến giao thông trên địa bàn huyện. Gắn việc chỉnh trang với xử lý các vi phạm pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng, trật tự vỉa hè, giao thông, công cộng ở một số tuyến đường, khu vực mà Thành phố đã xác định.
3. Cải tạo, chỉnh trang đường hè cây xanh, bồn hoa, tiểu cảnh, chiếu sáng và các công trình HTKT nổi khác trên tuyến phố, hạ ngầm đường dây nổi trên một số tuyến chính, khu vực quan trọng.
4. Tăng cường chiếu sáng trang trí các công trình, tượng đài, cây xanh…
5. Giữ gìn trật tự kỷ cương hè phố, khu dân cư. Tổ chức duy trì vệ sinh môi trường, đảm bảo sạch đẹp.
6. Mỗi phường, xã đăng ký xây dựng và tổ chức thực hiện các tuyến phố, tuyến đường văn minh đô thị.
7. Sắp xếp lại hệ thống biển hiệu, biển quảng cáo. Ban hành quy định, hướng dẫn thống nhất và tổ chức thực hiện.
8. Xác định vùng sản xuất nông nghiệp ổn định, vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo hướng nông nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1/ Các giải pháp chủ yếu:
- Tuyên truyền giáo dục, vận động toàn dân tham gia các nội dung trong chương trình, huy động tối đa được nguồn lực xã hội.
- Tổ chức các cuộc thi thiết kế “góc phố đẹp, đường phố đẹp, khu phố đẹp”, phát động rộng rãi phong trào “người Hà Nội thanh lịch giữ gìn và làm đẹp Thủ đô 1000 năm văn hiến”. Phát động người dân, các cơ quan đoàn thể, các hội nghề nghiệp (Hội quy hoạch, Hội kiến trúc sư…) tham gia phong trào chỉnh trang tuyến phố (chậu hoa, ghế đá, bồn hoa treo, biểu tượng trang trí, cây hoa, rào chắn…)
- Xây dựng quy chế hướng dẫn và kiểm soát các hoạt động thương mại, dịch vụ du lịch theo hướng văn minh, thanh lịch, trong đó chú trọng khai thác các yếu tố thương mại - du lịch truyền thống 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
- Phân luống tổ chức giao thông (tách các làn riêng đối với phương tiện giao thông) để hạn chế ùn tắc giao thông. Nghiên cứu xây dựng 1 khu vực đi bộ trong phố Cổ trên cơ sở nghiên cứu quy hoạch chi tiết thí điểm bảo tồn kết hợp với cải tạo bộ mặt kiến trúc và hạ tầng kỹ thuật theo dự án đã được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư.
-  Tổ chức giữ gìn trật tự kỷ cương đô thị hè phố, giao thông xanh - sạch - đẹp.
- Tăng cường các hoạt động kiểm tra giám sát việc chấp hành luật pháp về bảo vệ môi trường trong các hoạt động sản xuất - dịch vụ kinh doanh; Lập đề án để chống ồn, bụi trên địa bàn Thành phố (đặc biệt là các trục đường cửa ngõ vào Thành phố và đường Vành đai).
- Tăng cường công tác đầu tư hỗ trợ của Nhà nước đối với việc chỉnh trang nâng cấp, ưu tiên cho khu vực ngoại thành.
- Hàng quý, từ ngày 10 đến 15 của tháng đầu quý, báo cáo định kỳ Ủy ban nhân dân Thành phố về kết quả thực hiện.
2/ Phân công trách nhiệm cho các đơn vị thực hiện:
- Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát việc thực hiện Chương trình chỉnh trang nâng cấp và tăng cường trật tự đô thị phục vụ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và Kế hoạch này của các sở, ngành, quận, huyện và cộng đồng doanh nghiệp, định kỳ báo cáo và kiến nghị với Ủy ban nhân dân Thành phố các biện pháp cần thiết, bảo đảm Chương trình được thực hiện hiệu quả, đồng bộ, đáp ứng được yêu cầu; Chủ trì đôn đốc, giám sát công tác tổ chức thực hiện theo kế hoạch chung của Thành phố; cân đối nguồn vốn, thẩm định trình duyệt hoặc phê duyệt nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư và dự án theo thẩm quyền.
- Sở Giao thông Công chính:  Lập dự án cải tạo, chỉnh trang các tuyến phố, quảng trường, nút giao thông, công viên, vườn hoa, các hồ nước, chiếu sáng đô thị và tổ chức thực hiện, phân luồng giao thông.
- Sở Xây dựng:  Soạn thảo quy định, hướng dẫn cải tạo chỉnh trang công trình kiến trúc và hướng dẫn quận, huyện, chủ công trình thực hiện. Chú ý việc xử lý trực tiếp việc xây dựng và hình thành các ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo trên các tuyến đường và các khu vực mà Thành phố đã xác định tập trung chỉnh trang đô thị.
- Sở Quy hoạch Kiến trúc: Soạn thảo về thiết kế đô thị một số tuyến phố, thiết kế cảnh quan và Quy định về xây dựng theo quy hoạch đối với một số khu vực và tuyến đường mới mở trên địa bàn Thành phố.
- Sở Văn hóa - Thông tin: Soạn thảo quy định về biển hiệu, băng đơ rôn, biển quảng cáo nhỏ, lập dự án chỉnh trang, tôn tạo các di tích lịch sử và tổ chức thực hiện.
- Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất:  Lập Đề án cải tạo, chỉnh trang quỹ nhà do Sở quản lý và tổ chức thực hiện.
- Công an Hà Nội: Tham gia phân luồng, tổ chức giao thông, giữ gìn trật tự giao thông, kỷ cương đô thị.
- Sở Tài chính:  Trên cơ sở Kế họach được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt, bố trí nguồn kinh phí. Đề xuất cơ chế huy động các nguồn lực ngoài ngân sách, hướng dẫn triển khai thực hiện đối với các dự án xã hội hóa.
-  Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: Hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện việc hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn; đẩy mạnh triển khai công tác công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn theo Chương trình 05-CTr/TU của Thành ủy và Kế hoạch  của Ủy ban nhân dân Thành phố.
- Chủ đầu tư các Khu đô thị mới và Chủ đầu tư tham gia cải tạo khu chung cư cũ trên đại bàn Thành phố:  Xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai việc quản lý, sử dụng nhà và các không gian công cộng khác thuộc thẩm quyền quản lý.
- Ủy ban nhân dân quận, huyện:  Xây dựng Kế hoạch lựa chọn 1 - 2 tuyến đường thuộc địa giới hành chính để cải tạo, chỉnh trang; vận động, hướng dẫn , kiểm tra, tổ chức thực hiện việc chỉnh trang các công trình kiến trúc của dân và các chủ công trình trên địa bàn theo danh mục chương trình được UBND Thành phố duyệt giao nhiệm vụ, chỉnh đốn hệ thống biển hiệu, quảng cáo tư nhân đảm bảo trật tự hè phố.  Sử dụng ngân sách cấp kết hợp với nguồn vốn huy động xã hội hóa.
- Đề nghị Mặt trận Tổ quốc và các Đoàn thể Thành phố: Căn cứ nội dung chương trình, tuyên truyền, phổ biến, vận động các tổ chức, thành viên, đoàn viên…thực hiện Kế hoạch của Thành phố.
    Các cơ quan Báo, Đài của Thành phố: Tổ chức tuyên truyền sâu, rộng nội dung Chương trình và Kế hoạch đến các cơ quan, đơn vị và nhân dân Thủ đô để thực hiện có hiệu quả Chương trình và Kế hoạch của Thành phố.
(Phân công trách nhiệm cụ thể và nội dung các nhiệm vụ được nêu trong phụ lục đính kèm).
Trong quá trình tổ chức thực hiện, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện chủ động báo cáo, đề xuất với Ủy ban nhân dân Thành phố những nội dung cần sửa đổi và bổ sung để đảm bảo thực hiện tốt nhất Chương trình và Kế hoạch của Thành phố./.

                                                                                                                                      TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
Nơi nhận:                                                                                                                                KT. CHỦ TỊCH
- Đ/c Bí thư Thành ủy;                                                                                                            PHÓ CHỦ TỊCH
- TT Thành ủy; TT HĐND TP;                                                                                                       (Đã ký)
- Đ/c Chủ tịch UBND TP;
             (để báo cáo)
- Các Đ/c PCT UBND TP;
- MTTQ và các Đoàn thể TP;
- Ban Tuyên giáo TU;                                                                                                            Nguyễn Văn Khôi
- Các sở, ban, ngành; Các đơn
vị thực hiện;
- UBND các quận, huyện;
- CPVP, các phòng chuyên
môn, TH, Xb, Xd, XDn;
- Lưu VT.

 

 


HNP


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         Lấy lại mã bảo mật