Chuyển quyền sử dụng đất

Gia đình tôi có 1 mảnh đất Diện tích: 74,4m2 đã được cấp sổ tại Tổ dân phố Tân Nhuệ - Phường Thụy Phương - Bắc Từ Liêm - Hà Nội. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có nội dung như sau: 1. Người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất: Ông Nguyễn Nhân Ngọ (Bố) Bà Nguyễn Thị Lan (Mẹ) Cùng sử dụng đất với bà Nguyễn Thúy Nga (Con gái), bà Nguyễn Thu Hằng (Con gái). 2. Ông Nguyễn Nhân Ngọ và Bà Nguyễn Thị Lan được sử dụng 50% quyền sử dụng đất, bà Nguyễn Thúy Nga và bà Nguyễn Thu Hằng mỗi người được sử dụng 25% quyền sử dụng đất. Bố mẹ tôi sinh được 4 người con: 03 gái, 01 trai. Nay bố mẹ tôi có nguyện vọng SAU KHI QUA ĐỜI muốn trao lại 50% quyền sử dụng đất của mình CHO CON TRAI. Để tránh những vướng mắc cũng như những tranh chấp xảy ra sau khi bố mẹ qua đời. Vậy xin CGTĐT TPHN giúp tôi: 1. Thủ tục gồm những giấy tờ gì. 2. Cấp nào có thẩm quyền. Tôi xin chân thành cảm ơn !

Người hỏi: Nguyễn Thị Bích Ngọc ( 15:08 15/11/2017)

CÂU TRẢ LỜI

Chào bà, cảm ơn bà đã gửi câu hỏi cho Cổng Giao tiếp điện tử  Hà Nội
Về câu hỏi của bà, Cổng Giao tiếp điện tử xin trả lời như sau:
Điều 609, Bộ Luật dân sự 2015 quy định về quyền thừa kế như sau:
Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Theo thông tin bà cung cấp thì phần tài sản của bố mẹ bà nằm trong khối tài sản chung với người khác. Bố mẹ bà là một trong những người đồng đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do vậy, bố mẹ bà hoàn toàn có quyền để lại di chúc để định đoạt phần quyền sở hữu đó cho người họ muốn để lại thừa kế.
Ngoài ra, tại Khoản 1, khoản 2 Điều 167 Luật đất đai 2013 quy định về:
“Điều 167. Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất
1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này.
2. Nhóm người sử dụng đất mà có chung quyền sử dụng đất thì có các quyền và nghĩa vụ như sau:
a) Nhóm người sử dụng đất gồm hộ gia đình, cá nhân thì có quyền và nghĩa vụ như quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân theo quy định của Luật này.
Trường hợp trong nhóm người sử dụng đất có thành viên là tổ chức kinh tế thì có quyền và nghĩa vụ như quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế theo quy định của Luật này;
b) Trường hợp nhóm người sử dụng đất mà quyền sử dụng đất phân chia được theo phần cho từng thành viên trong nhóm, nếu từng thành viên của nhóm muốn thực hiện quyền đối với phần quyền sử dụng đất của mình thì phải thực hiện thủ tục tách thửa theo quy định, làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và được thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của Luật này.
Trường hợp quyền sử dụng đất của nhóm người sử dụng đất không phân chia được theo phần thì ủy quyền cho người đại diện để thực hiện quyền và nghĩa vụ của nhóm người sử dụng đất.”
Như vậy, căn cứ vào quy định trên, bố mẹ bà có quyền chuyển nhượng phần đất cho người khác. Tuy nhiên, do bố mẹ bà cùng đồng sở hữu với những người khác nên việc chuyển nhượng này cần phải có sự đồng ý của các thành viên khác và phải ký tên vào hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì giao dịch chuyển nhượng sử dụng đất mới được pháp luật công nhận.
Trường hợp một trong các thành viên không đồng ý việc chuyển nhượng thì bố mẹ bà có thể thực hiện thủ tục tách thửa đất và cấp Giấy chứng nhận đối với các thửa đất sau khi tách theo quy định của pháp luật. Sau khi thửa đất đã được tách thửa cho từng cá nhân thì mỗi cá nhân được thực hiện quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Bà có thể tham khảo thủ tục tách thửa được đăng tải trong mục Dịch vụ công trực tuyến trên trang của Cổng Giao tiếp Điện tử Hà Nội.
Đồng thời, bà có thể liên hệ đến Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp quận huyện nơi bà có đất để được hướng dẫn chi tiết đối với thủ tục này.
 
Câu trả lời trên chỉ mang tính chất tham khảo, không có giá trị trong tố tụng dân sự.

Trả lời: Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội ( 08:36 17/11/2017)

Những câu hỏi khác