Tình hình sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi tháng 9/2017 của Hà Nội (17:09 05/10/2017)


HNP – Theo Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội tháng Chín và 9 tháng năm 2017 của Cục Thống kê Hà Nội, tình hình sản xuất cây trồng và vật nuôi toàn Thành phố ổn định. 


Về trồng trọt, từ đầu vụ mùa đến nay, thời tiết có mưa nhiều nên tương đối thuận lợi cho cây trồng phát triển. Hiện nay, lúa mùa ở hầu hết các quận, huyện, thị xã đã trỗ bông, đang trong giai đoạn vào hạt, chắc xanh; Trà lúa sớm đã chín và chuẩn bị cho thu hoạch, trà trung đang trong giai đoạn chín sữa - chín sáp. Các cây hoa màu nhìn chung sinh trưởng, phát triển tốt và hiện đang ở giai đoạn phát triển chín, thu hoạch.
 

Vụ mùa, toàn Thành phố gieo trồng được 114.140 ha lúa và hoa màu, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, diện tích lúa đã cấy giảm 4,8%; khoai lang giảm 6,7%; đậu tương giảm 22,1%; lạc giảm 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích cây trồng vụ mùa 2017 giảm so với cùng kỳ do chuyển đổi mục đích sử dụng đất, trong đó chủ yếu giảm ở cây lúa với 1.188 ha, chuyển từ đất trồng cây hàng năm sang nuôi trồng thủy sản và đất phi nông nghiệp để xây dựng cơ sở hạ tầng, kênh mương, thủy lợi...

 
Về năng suất, năng suất lúa ước đạt 53,1 tạ/ha, tăng 2,9% so với cùng kỳ, nhưng sản lượng lại giảm 2,1%. Năng suất một số các loại hoa màu khác như: khoai lang, đậu tương, lạc...có xu hướng giảm so với vụ mùa năm trước, kéo theo sản lượng cũng giảm: khoai lang giảm 7,4%; đậu tương giảm 29,9%; lạc giảm 16,7%; riêng rau các loại tăng 1,5%; ngô tăng 6,2%.
 
Nhìn chung, các loại cây trồng đang trong thời kỳ phát triển tốt, nhưng đã xuất hiện sâu bệnh trên một số cây như: Cây lúa đã xuất hiện chuột gây hại nhẹ, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, bệnh khô vằn, bệnh đốm sọc vi khuẩn gây hại; Cây ngô, xuất hiện bệnh khô vằn, bệnh đốm lá và chuột, rệp, sâu đục thân,…hại nhẹ rải rác; Cây lạc, cây đậu tương, xuất hiện chuột, bệnh đốm lá, sâu cuốn lá,…hại nhẹ. Vì vậy, cần chủ động tăng cường công tác phòng chống sâu bệnh cho diện tích các hoa màu trên.
 
Đối với các cây lâu năm, ước tính diện tích hiện có 20.817 ha, tăng 0,7% so cùng kỳ, trong đó, cây ăn quả tăng 0,8%; chè giảm 0,8%. Sản lượng một số cây như sau: Xoài 4.351 tấn, tăng 4,7%; chuối 60.694 tấn, tăng 5%; dứa 3.337 tấn, tăng 20,1%; đu đủ 12.377 tấn, tăng 5,6%; bưởi 13.255 tấn, tăng 3,2%; nhãn 12.217 tấn, giảm 44,25; vải 6.025 tấn, giảm 29,6% so với cùng kỳ năm 2016.
 
Tình hình chăn nuôi trong tháng Chín tương đối ổn định, đàn gia cầm, tăng 8,7% so với cùng kỳ; các đàn vật nuôi khác có xu hướng giảm như: Đàn trâu, giảm 3,9%; đàn bò, giảm 5,2%; đàn lợn, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2016.
 
Về sản lượng sản phẩm chăn nuôi trong 9 tháng đối với các loại đều có xu hướng tăng so với cùng kỳ, cụ thể: thịt trâu hơi xuất chuồng tăng 2,4 %; thịt bò hơi xuất chuồng tăng 2,5%; thịt lợn hơi xuất chuồng tăng 4%; thịt gà tăng 4%; thịt vịt tăng 2,4%; thịt ngan, ngỗng tăng 4,9%.
 
Trong tháng, tuy không xảy ra những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm gia cầm, lợn tai xanh, dịch lở mồm long móng, nhưng với thời tiết có nhiều bất thường nên công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm vẫn cần được quan tâm và theo dõi chặt chẽ. Người dân cũng hiểu được sự cần thiết của việc tiêm phòng và chủ động mua vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm ngoài diện được hỗ trợ của Thành phố. Một số loại vắc xin được các địa phương triển khai tiêm phòng như: vắc xin bệnh đỏ; dịch tả lợn; dịch tai xanh; lở mồm long móng; cúm gia cầm; vắc xin dại;...

Bùi Quỳnh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         Lấy lại mã bảo mật