Tình hình Kinh tế - Xã hội tháng Sáu, và 6 tháng đầu năm 2005 (00:00 20/06/2005)


Dự kiến 6 tháng đầu năm 2005, Tổng sản phẩm nội địa ước tăng 10,9%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 19,1%, tổng mức bán ra tăng 22,0%, kim ngạch xuất khẩu tăng 20,6%, thu ngân sách tăng 27,8%. Công tác huy động và sử dụng vốn đầu tư đạt kết quả tốt với tổng vốn đầu tư xã hội 13800 tỷ đồng, tăng 15,0%. Hà Nội lần đầu tiên trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về công tác thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Như vậy, mặc dù gặp phải một số trở ngại nhất định do thời tiết không thuận lợi, hạn hán kéo dài, việc cung cấp điện tháng Năm và Sáu gặp khó khăn, bệnh dịch cúm gia cầm xuất hiện ở một số nơi, song đánh giá chung kinh tế Thủ đô vẫn duy trì nhịp độ phát triển cao so với cùng kỳ với nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch và dự kiến từ đầu năm. Tình hình văn hoá, xã hội tiếp tục được cải thiện trên nhiều mặt.



1. Sản xuất công nghiệp

Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội tháng Sáu tăng 8,5% so tháng trước, trong đó kinh tế nhà nước tăng 6,6% (kinh tế trung ương tăng 7,2%, kinh tế nhà nước địa phương tăng 4,5%), kinh tế ngoài nhà nước tăng 5,9%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 12,3%.

Dự kiến 6 tháng 2005, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng 19,1% socùng kỳ năm trước, trong đó kinh tế nhà nước tăng 8,8% (kinh tế trung ương tăng 7,0%, kinh tế nhà nước địa phương tăng 15,5%), kinh tế ngoài nhà nước tăng 20,2%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 34,5%. Năm nay, do hạn hán kéo dài, tình hình cung cấp điện gặp nhiều khó khăn, sản lượng điện 6 tháng chỉ tăng 9,1% so cùng kỳ, ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất của các đơn vị. Tuy nhiên, do nhu cầu tiêu thụ đối với các sản phẩm thực phẩm và đồ uống, sản phẩm kết cấu kim loại, phương tiện vận tải... tăng mạnh, đồng thời thị trường xuất khẩu của các mặt hàng điện tử và thiết bị văn phòng được mở rộng nên đã có ảnh hướng tích cực đáng kể đến tốc độ tăng chung của toàn ngành công nghiệp trên địa bàn.

a/ Sản xuất công nghiệp Trung ương: tháng Sáu tăng 7,2% so với tháng trước, với 18/22 ngành sản xuất tăng, trong đó sản xuất cao su, plastic tăng 11,5%, sản xuất sản phẩm bằng kim loại tăng 14,6%, sản xuất xe có động cơ tăng 40,1%, sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 64,9%.

Dự kiến 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp Trung ương tăng 7,0% so với cùng kỳ năm 2003, với 14/22 ngành tăng, tập trung chủ yếu ở các ngành chế biến thực phẩm tăng 27,3%, xuất bản, in tăng 19,2%. Có 8 ngành sản xuất giảm so với cùng kỳ, trong đó ngành dệt giảm 1,9%, sản xuất đồ da, giả da giảm 43,2%, chế biến gỗ, lâm sản giảm 15,7%, sản xuất giấy giảm 77,2%, sản xuất ti vi, thiết bị thông tin giảm 7,6%. Nguyên nhân giảm là do nhiều doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2005 đã chuyển sang cổ phần hoá với vốn nhà nước chi phối nhỏ hơn 50%. Bên cạnh đó, một số đơn vị các ngành dệt, may, hoá chất, da giầy, cao su, nhựa cũng chịu ảnh hưởng - tuy không lớn của việc tăng giá vật tư đầu vào.

Trong 6 tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp lớn đạt mức tăng trưởng cao như Công ty May 10 tăng 35,7%, Công ty Hoá chất Đức Giang tăng 15,9%, Công ty VLXD Bưu điện tăng 81,0%, Công ty chế tạo điện cơ tăng 30,4%, Công ty Pin Hà Nội tăng 21,2%...

b/ Sản xuất công nghiệp Nhà nước địa phương: tháng Sáu tăng 4,5%, trong đó, chế biến thực phẩm tăng 10,0%, xuất bản, in tăng 8,6%, sản xuất tivi, thiết bị thông tin tăng 25,0%, sản xuất dụng cụ chính xác, thiết bị y tế tăng 17,2%, sản xuất xe có động cơ tăng 25,0%.

Dự kiến 6 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp địa phương tăng 15,9% so cùng kỳ năm trước với 19/22 ngành tăng, trong đó sản xuất các sản phẩm từ kim loại tăng 17,2%, chế tạo máy móc thiết bị tăng 39,6%, sản xuất thiết bị điện tăng 38,2%, sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 25,6%. Một số sản phẩm sản xuất có mức tăng cao là quạt điện (tăng 46,0% so với cùng kỳ), quần áo may sẵn (tăng 23,9%), bia hơi (tăng 14,1%).

Trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp nhà nước địa phương đã tích cực đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc thiết bị phục vụ sản xuất: Công ty Vật liệu xây dựng Cầu Đuống đã đưa vào hoạt động nhà máy chế tạo khung thép Đông Anh; Công ty Điện cơ Thống nhất đầu tư thêm 9 tỷ đồng cho dây chuyền động cơ điện, công suất tăng 150% so với cùng kỳ; Công ty giầy Thượng Đình đưa vào hoạt động nhà máy mới tại Hà Nam, giá trị sản xuất ước tăng hơn 30%. Các đơn vị lớn như Công ty Cơ điện Trần Phú sản xuất tăng 60,0%, Công ty Bia Việt hà tăng 35,0%, Công ty Haprosimex tăng 22,0%, công ty Dệt 10-10 tăng 25,0%. Tuy nhiên vẫn tồn tại nhiều doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn, quản lý yếu kém, giá trị sản xuất giảm mạnh: Công ty Dệt kim Thăng Long (sản xuất bằng 79,0% so cùng kỳ), Công ty Kỹ thuật Điện Thông (bằng 45,0%), Công ty Thanh Xuân (bằng 60,5%), Công ty XNK xe đạp xe máy (bằng 30% so cùng kỳ)

c/ Sản xuất công nghiệp ngoài Nhà nước: tháng Sáu tăng 5,9% so tháng trước, trong đó kinh tế hợp tác xã tăng 7,8%, doanh nghiệp tư nhân tăng 10,6%, kinh tế cá thể tăng 4,3%, kinh tế hỗn hợp tăng 5,9%.

Dự kiến 6 tháng đầu năm, công nghiệp ngoài nhà nước đạt mức tăng 20,2%. Trong đó kinh tế hợp tác xã tăng 4,8%, doanh nghiệp tư nhân tăng 14,1%, kinh tế cá thể tăng 4,9%, kinh tế hỗn hợp tăng 25,1%. Hiện nay mỗi năm có thêm khoảng 10 doanh nghiệp nhà nước chuyển sang cổ phần hoá (vốn nhà nước dưới 50%), trong đó có những doanh nghiệp có quy mô lớn, sản xuất ổn định, sản phẩm tiêu thụ tốt trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp thành lập mới hàng năm cũng khá lớn góp phần làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực kinh tế này. Trong 6 tháng đầu năm nay, một số ngành sản xuất của khu vực kinh tế này đạt mức tăng khá cao: chế biến thực phẩm, đồ uống tăng 22,8%, chế biến gỗ tăng 21,0%, sản xuất hoá chất tăng 35,4%,.... Tuy nhiên cũng có 6/22 ngành sản xuất giảm, trong đó sản xuất cao su, plastic giảm 0,6%, sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 6,2%, tái chế giảm 10,9%, chế biến da và sản phẩm từ da giảm 7,0%.

d/ Sản xuất khu vực có vốn đầu tư nước ngoài:  tháng Sáu tăng 12,3% so tháng trước.

Dự kiến 6 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 34,5%, với 10/19 ngành tăng, trong đó: chế biến thực phẩm tăng 34,5%, hoá chất tăng 35,8%, sản xuất sản phẩm từ cao su, plastic tăng 176,3%, sản xuất sản phẩm từ kim loại tăng 221,9%, sản xuất thiết bị văn phòng tăng 81,8%, sản xuất xe có động cơ tăng 96,8%... . Từ đầu năm đến nay đã có thêm 18 doanh nghiệp mới đi vào hoạt động, tạo ra giá trị sản xuất 67, 4 tỷ đồng, bằng 1,1% giá trị sản xuất công nghiệp của toàn bộ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị lớn vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và ổn định như công ty Yamaha Motor tăng 62,6%, Công ty Sumitomo Bakelite tăng 24,4%, Công ty Denso Việt Nam tăng 179,1%, Công ty SumiHanel Tăng 36,9%. Có 8 trong 19 ngành sản xuất giảm, chủ yếu là ở các đơn vị dệt may, giấy và sản phẩm từ giấy, xuất bản, in, chế tạo máy móc thiết bị, sản xuất dụng cụ chính xác... và một số đơn vị đang trong giai đoạn kết thúc hợp đồng sản xuất.

2. Xây dựng cơ bản

* Vốn đầu tư xây dựng cơ bản nhà nước địa phương

Năm nay, việc thực hiện kế hoạch đầu tư cơ bản được chuẩn bị khá chu đáo và chủ động từ đầu năm, nên tiến độ các công trình trọng điểm được đảm bảo, nhiều công trình khối lượng thực hiện vượt kế hoạch vốn. Dự kiến 6 tháng đầu năm, vốn đầu tư xây dựng cơ bản ngân sách địa phương đạt 1550 tỷ đồng (xây lắp đạt 860, 5 tỷ đồng, thiết bị đạt 104, 7 tỷ đồng), so với cùng kỳ tăng 52,0% (xây lắp tăng 30,4%, thiết bị tăng 76,6%), và đạt 47,2% kế hoạch năm .

Tiến độ một số công trình:

+ Dự án thoát nước giai đoạn I: công tác lắp đặt thiết bị cho 2 trạm xử lý nước thải (gói thầu CP12) đã cơ bản hoàn thành, phấn đấu cuối tháng Sáu, đầu tháng Bảy sẽ cho vận hành thử. Như vậy, các công việc của Dự án thoát nước giai đoạn I đã cơ bản hoàn thành.

+ Nút giao thông Ngã Tư Sở: Đến nay đã đổ bê tông xong 6/6 cọc khoan nhồi móng trụ P8; 8/8 cọc khoan nhồi mố cầu A2 của cầu vượt; đóng xong 400 cọc cầu thang C của hầm bộ hành và đang khẩn trương di chuyển các công trình kỹ thuật như cáp điện thoại, đường ống cấp nước, đường điện hạ thế...

+ Đường vành đai I: đã lên phương án chi tiết được 160/890 hồ sơ đền bù và đang trình hội đồng giải phóng mặt bằng thông qua để có thể thu hồi đất.

* Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài:Dự kiến 6 tháng đầu năm nay sẽ có thêm 65 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp giấy phép thành lập mới và bổ sung vốn đầu tư với tổng số vốn 1075 triệu USD, trong đó có hai dự án lớn là HĐHTKD mạng điện thoại CDMA với tổng vốn đầu tư 656 triệu USD và Công ty TNHH Coralis Việt Nam (xây dựng toà nhà tổ hợp 65 tầng) với tổng số vốn 114, 6 triệu USD. Bên cạnh đ?, sự kiện một số nhà đầu tư nước ngoài triển khai xây dựng nhà xưởng tại Khu công nghiệp Đài Tư đã chính thức đánh dấu sự hoạt động trở lại của Khu công nghiệp này sau nhiều năm không triển khai. Với những kết quả trên, Hà Nội đạt mức kỷ lục cả về số dự án, số vốn đầu tư và trở thành địa phương đứng đầu trong cả nước về công tác thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2005.

Đến nay, trên địa bàn Thành phố còn 587 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng số vốn 8731 triệu USD, trong đó có 320 doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài với 1545 triệu USD, 239 công ty liên doanh với 5728 triệu USD và 28 hợp đồng hợp tác kinh doanh với 1457 triệu USD.

* Tổng vốn đầu tư xã hội:Theo tính toán sơ bộ, vốn đầu tư xã hội thực hiện 6 tháng trên địa bàn đạt 13800 tỷ đồng, tăng 15,0% so cùng kỳ, trong đó vốn trong nước tăng 13,9%, vốn nước ngoài tăng 21,1%. Trong 6 tháng, có 4836 doanh nghiệp mới được cấp giấy phép hoạt động, tăng 27% so với cùng kỳ. Nguồn vốn của doanh nghiệp ngoài nhà nước ước đạt 3900 tỷ đồng, tăng 23,8% so cùng kỳ.

3. Thương mại - Dịch vụ

* Nội thương:tháng Sáu năm 2005 tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ trên địa bàn Hà Nội tăng 0,6% so tháng trước, trong đó bán lẻ tăng 0,9%.

Dự kiến 6 tháng đầu năm 2005 tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt 54, 6 nghìn tỷ đồng, tăng 22,1% so cùng kỳ, trong đó bán lẻ đạt 20, 3 nghìn tỷ đồng, tăng 18,5%. Hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn Hà Nội nhìn chung sôi động và tích cực. Số lượng các đơn vị tham gia hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ tăng lên nhanh chóng, bao gồm khoảng 10 nghìn doanh nghiệp, 70 nghìn hộ cá thể và 48 siêu thị, trung tâm thương mại. Sức mua của thị trường Hà Nội và các vùng lân cận khá lớn, đặc biệt năm nay nhu cầu tiêu dùng những mặt hàng cao cấp như máy phát điện gia đình, ô tô, các mặt hàng điện lạnh... có xu hướng tăng mạnh.

*Ngoại thương: Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội tháng Sáu tăng 2,8% so tháng trước, nhập khẩu tăng 3,4%, trong đó: xuất khẩu địa phương tăng 2,2% và nhập khẩu địa phương tăng 3,2%.

Dự kiến kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội 6 tháng đầu năm đạt 1357 triệu USD, tăng 20,0% so cùng kỳ, trong đó xuất khẩu địa phương đạt 634 triệu USD tăng 29,0%, là những mức tăng khá cao so với mấy năm gần đây. Trong đó, nhóm hàng điện tử tăng 44,9%, máy in tăng 102,2%, xăng dầu (tạm nhập, tái xuất) tăng 46,4%. Bên cạnh đó, xuất khẩu các mặt hàng nông sản, nguyên liệu hiện đang có nhiều thuận lợi về giá. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là trong khi kim ngạch xuất khẩu đạt được tốc độ cao nhất trong vòng mấy năm trở lại đây, thì cũng còn tiềm ẩn những yếu tố mất ổn định và thiếu bền vững. Kim ngạch xuất khẩu tăng cao chủ yếu là ở một vài đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài, còn lại các thành phần kinh tế khác tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu thấp, chất lượng, mẫu mã sản phẩm chưa có nhiều tiến bộ. Hàng dệt may có tốc độ tăng thấp ở thị trường Mỹ, thậm chí giảm ở thị trường; hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu chỉ ở mức trung bình vì mẫu mã và chất lượng không có nhiều tiến bộ; mặt hàng giày dép chỉ tăng 5,9% và đạt mức kim ngạch trung bình khoản 9 triệu USD /tháng.

Kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn 6 tháng đầu năm đạt 5061 triệu USD tăng 26,5%, trong đó nhập khẩu địa phương thực hiện 1706 triệu USD tăng 31,3%. Đáng chú ý là nhập khẩu hàng tiêu dùng trong 6 tháng qua đạt mức tăng khá cao (33,8%), trong đó chủ yếu là các mặt hàng điện, điện tử dân dụng do việc giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng này.

* Du lịch: Ước tính 6 tháng đầu năm Hà Nội đã thu hút được 520 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 19,5% so cùng kỳ và 1800 nghìn lượt khách nội địa, tăng 20,0%. Do so với cùng kỳ năm trước giá các dịch vụ du lịch và phụ trợ đã tăng lên đáng kể, dự kiến doanh thu du lịch tăng 30-35%. Hiện tại, công suất buồng phòng ở các khách sạn lớn đều đạt từ 85-90%; nhiều khách sạn đã được đăng ký kín chỗ đến hết tháng Bảy. Hà Nội hiện đang là địa phương có bước phát triển mạnh về du lịch với hơn 400 khách sạn trong đó có 130 khách sạn được xếp hạng, có 8/15 khách sạn 5 sao trên cả nước và nhiều hãng lữ hành được bình chọn là tốt nhất toàn quốc.

*Vận tải:Dự kiến 6 tháng đầu năm ngành vận tải đã thực hiện sản lượng vận chuyển trên 15 triệu tấn hàng hoá và 178 triệu lượt hành khách, đạt doanh thu 1700 tỷ đồng; đã vận chuyển được 150 triệu lượt hành khách đi lại bằng xe buýt, tăng 20% so cùng kỳ. Hoạt động vận tải hành khách công cộng có bước phát triển mới với sự tham gia của công ty ngoài nhà nước trên một số tuyến xe buýt đã dấu thầu. Tuy nhiên, trong tổng số 6 tuyến đã được đấu thầu từ năm 2004, mới có 01 tuyến đi vào hoạt động.

Để đảm bảo an toàn giao thông và thực hiện văn minh đô thị, từ đầu tháng Ba, Thành phố thực hiện tưới nước rửa đường trên 110 tuyến với 217km, quét hút 81 tuyến với 166km và thực hiện rửa các loại xe tải trước khi vào nội đô. Đến tháng Sáu, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng hệ thống đèn tín hiệu điều khiển giao thông tại 78 nút giao thông.

Thị trường bưu chính, viễn thông Thủ đô trong 6 tháng qua có sự phát triển mạnh mẽ cả về chất lượng và sản lượng dịch vụ với sự tham gia của 6 nhà cung cấp dịch vụ điện thoại. Trong 6 tháng có khoảng 127, 7 nghìn thuê bao điện thoại mới (trong đó có 61% là thuê bao điện thoại di động) và 2869 thuê bao internet được triển khai. Tuy nhiên, doanh thu ước tính chỉ đạt 1352 tỷ đồng, tăng 2,2% so cùng kỳ do các nhà cung cấp dịch vụ liên tục tổ chức khuyến mại và giảm giá để thu hút thêm khách hàng.

* Giá cả: Chỉ số giá tiêu dùng tháng Sáu tăng 0,17% so tháng trước. Giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm có xu hướng ổn định do đã bước vào vụ thu hoạch. Chỉ số giá nhóm vật liệu xây dựng giảm nhẹ do giá sắt thép xây dựng bắt đầu giảm. Giá vàng 9999 bán ra trên thị trường tư nhân phổ biến ở mức 815, 2 nghìn đồng/chỉ, giảm nhẹ so tháng trước. Giá USD Mỹ là 15874đ, tăng nhẹ (0,17%) so tháng trước.

Từ đầu năm đến nay, giá đã tăng liên tục và đồng loạt ở nhiều mặt hàng và có tác động không nhỏ đến đời sống và sinh hoạt của người dân. Nguyên nhân một phần là do dịch cúm gà đã làm ảnh hưởng đến sản lượng thực phẩm cung cấp cho thành phố, một phần là do giá xăng dầu và nhiều loại vật tư, nguyên liệu khác tăng ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó việc điều chỉnh tiền lương cũng có ảnh hưởng nhất định đến khối lượng tiền mặt giao dịch trên thị trường và gây áp lực tăng giá. Tốc độ trượt giá 6 tháng là 4,86%, bình quân mỗi tháng tăng 0,8%. Chỉ số giá bình quân 6 tháng so với cùng kỳ tăng 7,13%. Dự báo trong thời gian tới giá cả tiếp tục tăng cao so với nhiều năm trở lại đây.

4. Sản xuất nông nghiệp:

Sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2005 tiếp tục gặp nhiều khó khăn đáng kể do thời tiết không thuận lợi và do dịch cúm gia cầm tiếp tục tái phát ở một số quận huyện. So với năm 2004- là năm nông nghiệp Thủ đô đặc biệt gặp nhiều khó khăn, tuy sản xuất có tăng, song so với những năm trước đó thì mức tăng này còn rất khiêm tốn.Sơ bộ ước tính giá trị sản xuất ngành nông lâm thuỷ sản 6 tháng đầu năm tăng 2,0% so cùng kỳ, trong đó trồng trọt giảm 5,4%, chăn nuôi tăng 16,1% và thuỷ sản tăng 4,3%.

* Sản xuất vụ Đông Xuân: Do vào đầu vụ có nhiều đợt rét đậm kéo dài, làm chậm thời vụ, các loại cây trồng sinh trưởng kém, cuối vụ thời tiết khô hanh, nước sông Hồng xuống thấp, không đảm bảo nước tưới tiêu cho nhiều diện tích vùng bãi; và thêm vào đó, 2 trận mưa đá trên diện rộng vào cuối tháng Tư và đầu tháng Năm cũng gây thiệt hại đáng kể đến một số diện tích lúa đang trỗ, nên dự kiến năng suất, sản lượng các loại cây trồng vụ Đông Xuân 2004-2005 đều đạt thấp. Dự kiến tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm giảm 4,4%, sản lượng lương thực có hạt giảm 10,1% so vụ đông xuân 2003-2004. Sản lượng một số loại cây trồng: Lúa Đông Xuân đạt 92, 6 nghìn tấn, giảm 12,3%, ngô đạt 26 nghìn tấn giảm 1,4%, rau các loại 101, 4 nghìn tấn, giảm 4,7%, lạc đạt 4554 tấn, giảm 9,3%.

Chuyển dịch cơ cấu cây trồng đạt chậm so với yêu cầu. Năm nay diện tích lúa đông xuân giảm 7%, vẫn vượt so với kế hoạch của Thành phố là 2500ha.

* Chăn nuôi: Sau Tết Nguyên đán, mặc dù các hộ chăn nuôi khẩn trương bổ sung đàn lợn, song do giá thức ăn gia súc tăng mạnh nên đã ảnh hưởng đến việc tăng đầu lợn. Do số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giảm nhiều theo xu hướng chung, đồng thời số hộ chăn nuôi công nghiệp chỉ tăng chút ít, vì vậy tính chung tổng đàn lợn chỉ tăng 0,4%. 6 tháng đầu năm, dịch cúm giá cầm lẻ tẻ tái phát tại một số quận huyện, tuy nhiên do làm tốt công tác phòng ngừa nên không phát sinh trên diện rộng và không gây thiệt hại lớn. Do chủ trương chưa khuyến khích phát triển đàn gia cầm nên số đầu con sinh sản và sản lượng thu hoạch không qua giết mổ không tăng nhiều. Hiện nay nhu cầu tiêu dùng đã dần ổn định, thêm vào đó, từ đầu tháng Hai đến nay, dịch gia cầm hầu như đã bị khống chế nên sản lượng giết thịt tăng khá so với cùng kỳ năm 2004. Sản lượng gia cầm bán ra trung bình một tháng đạt trên 700 tấn, tăng 47% so cùng kỳ năm 2004 . Tuy nhiên mức sản lượng này mới chỉ ngang bằng so với cùng kỳ năm 2003.

* Thuỷ sản: Do ít mưaD, thiếu nước, nên nhiều hộ gia đình gặp khó khăn trong nuôi trồng thuỷ sản. Đến nay toàn Thành phố đã có 3122ha được nuôi thả cá, tôm, giảm 10ha so với năm trước, chủ yếu ở Hoàng Mai và Long Biên. Năng suất thu hoạch tiếp tục tăng dần do có nhiều diện tích chuyển từ nuôi bán thâm canh sang nuôi thâm canh.

* Tiến độ sản xuất nông nghiệp:Hiện nay lúa cơ bản đã trỗ hết. Diện tích lúa đã gặt đạt 3894ha, bằng 18,7% diện tích cấy. Song song với thu hoạch lúa, các đơn vị cũng đang tổ chức thu hoạch các cây rau màu vụ Xuân như ngô, đỗ tương, lạc, rau xanh. Diện tích ngô đã thu hoạch đạt 1319ha, bằng 56% diện tích gieo trồng, đỗ tương đạt 749 ha, đạt 79,3%. Bà con nông dân đang tích cực chuẩn bị cho vụ mùa và hè thu. Toàn thành phố đã cày được 2015 ha, gieo được191ha mạ mùa.

5. Một số chỉ tiêu xã hội:

* Dân số: Dự kiến dân số Hà Nội đến cuối tháng Sáu là 3161 nghìn người, tăng 2,7% so cùng kỳ. Do làm tốt công tác tuyên truyền dân số - kế hoạch hoá gia đình nên dự kiến tỷ suất sinh giảm nhiều so với năm trước. 6 tháng đầu năm số trẻ em sinh ra là 20, 9 nghìn cháu, giảm 2,0% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tăng dân số cơ học vẫn ở mức cao. Dự kiến trong 6 tháng đầu năm có thêm khoảng 18 nghìn người nhập cưu vào thành phố.

* Lao động - việc làm: Dự kiến 6 tháng đầu năm 2005 Thành phố Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 39.300 người (tăng 8% so cùng kỳ năm trước, đạt 49,1% so kế hoạch).

5 tháng đầu năm 2005 các trường, các trung tâm dạy nghề trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã cấp 7.201 bằng và 10.797 chứng chỉ nghề cho học viên.

* Giáo dục: Giáo dục mầm non phát triển hơn so với các năm học trước. Số trẻ đi học nhà trẻ đạt 14,7% trẻ trong độ tuổi, trẻ mẫu giáo đạt 79,19%. Tỷ lệ này cao hơn mục tiêu chung do Bộ Giáo dục - Đào tạo đề ra. Công tác phổ cập giáo dục đúng độ tuổi được duy trì với kết quả huy động được 99,9% trẻ trong độ tuổi vào lớp 1, trong đó trẻ đúng độ tuổi đạt 99,6%; huy động 100% học sinh tốt nghiệp tiểu học vào học lớp 6 và 92,4% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào lớp 10 trung học phổ thông. Số học sinh học hai buổi /ngày ở bậc tiểu học đạt 89,98%, tăng 3,2% so với năm học trước.

Tình hình thi tốt nghiệp năm học 2004 - 2005:

Cấp tiểu học:Toàn Thành phố có 42.682 học sinh lớp 5 xét tuyển vào lớp 6, giảm 5,1% so với năm học trước. Kết quả 100% học sinh được xét tuyển.

Cấp trung học cơ sở:Kỳ thi tốt nghiệp diễn ra ngày 25 và 26/5/2005 với 45.585 học sinh dự thi tăng 14% so với năm học trước. 98,2% học sinh đỗ tốt nghiệp THCS, tăng 0,95% so với năm học trước.

Cấp phổ thông trung học:Kỳ thi tốt nghiệp diễn ra trong 3 ngày 6, 7 và 8/6/2005. Năm nay Hà Nội có 32.995 học sinh lớp 12 dự thi tăng 4,9% so với năm học trước. Tỷ lệ đỗ đạt 97,83%. Tỷ lệ đỗ của cấp học bổ túc văn hoá đạt 94,45%.

Tuyển sinh vào các trường Đại học, Cao đẳng: Năm học 2005-2006 chỉ tiêu tuyển sinh 37 trường Đại học trên địa bàn Hà Nội là 46.250 học sinh (tăng 5,3% so năm trước). Chỉ tiêu tuyển sinh vào 12 trường Cao đẳng ở Hà Nội là 10.390 học sinh (tăng 9,9% so năm trước).

* Y tế: Cơ sở vật chất ngành y tế tiếp tục được tăng cường với việc hoàn thành xây dựng Bệnh viện Thanh Nhàn; triển khai đề án hỗ trợ đầu tư trang thiết bị mạng lưới y tế cơ sở; chuẩn bị xúc tiến 2 dự án bệnh viện 1000 gường tại Từ Liêm và Đông Anh.

Công tác y tế dự phòng được triển khai có kết quả tốt. Dự kiến trong 6 tháng đầu năm 2005 tổng số người bị lây nhiễm HIV là 414 người (giảm 34% so cùng kỳ năm trước); số bệnh nhân AIDS là 159 người (giảm 40% so cùng kỳ năm trước); số người tử vong do HIV là 32 người (giảm 65%).

* Thể dục Thể thao:Trong 6 tháng đầu năm, Thành phố Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động thể dục thể thao để chào mừng và kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2005. Đến nay Đại hội Thể dục Thể thao Thủ đô lần thứ VI cấp cơ sở đã được tổ chức tại 96% xã, phường, thị trấn; 100% các trường phổ thông, 25/28 cụm văn hoá thể thao, 250 đơn vị doanh nghiệp, lực lượng vũ trang. Thành phố cũng đã tổ chức thành công 4 giải thể thao quốc tế với sự tham gia của nhiều đoàn thể thao các quốc gia và vùng lãnh thổ: Giải xe đạp nữ quốc tế Hà Nội 2005; Giải Cầu mây quốc tế Hà Nội 2005; Giải Kiếm nữ hạng A quốc tế Hà Nội 2005; Giải điền kinh quốc tế Hà Nội lần thứ 9.

* Tình hình trật tự xã hội, an toàn giao thông: 5 tháng đầu năm 2005 tổng số vụ phạm pháp hình sự đã khám phá là 2.630 vụ (giảm 1,6% so cùng kỳ) với 2.106 đối tượng bị bắt giữ theo luật (giảm 6,7% so cùng kỳ), số vụ buôn bán tàng trữ vận chuyển ma tuý là 771 vụ (tăng 0,5% so cùng kỳ) với 1.021 đối tượng (giảm 5,0% so cùng kỳ).

Tai nạn giao thông đã có xu hướng giảm nhiều hơn so với cùng kỳ năm trước. 5 tháng đầu năm 2005 xảy ra 416 vụ tai nạn giao thông (giảm 29,0% so cùng kỳ) làm 165 người chết (giảm 11,0%), bị thương 335 người (giảm 36,0%).

Số vụ cháy nổ đã xảy ra trong 5 tháng đầu năm 2005 là 91 vụ (giảm 9,0% so cùng kỳ) làm 6 người chết, bị thương 11 người, với giá trị tài sản bị thiệt hại là 7, 3 tỷ đồng.

6. Tài chính ngân hàng:

*Thu chi ngân sách:Dự kiến 6 tháng đầu năm thu ngân sách trên địa bàn đạt 14724 tỷ đồng, tăng 27,8% so cùng kỳ và đạt 51,8% dự toán năm. Trong đó thu hải quan tăng 15,4% và bằng 58,9%, thu nội địa tăng 23,5% và bằng 50,2% dự toán năm. Dự kiến tổng chi ngân sách địa phương đạt 3452 tỷ đồng, tăng 67,6% so cùng kỳ và đạt 40% dự toán năm. Trong đó chi xây dựng cơ bản là 1510 tỷ đồng, bằng 35,2% dự toán năm và tăng 72,9% so cùng kỳ. Tuy đạt mức tăng khá so với kế hoạch năm và so với cùng kỳ, song nhiệm vụ thu và chi ngân sách từ nay đến cuối năm còn khá nặng nề. Theo kế hoạch năm 2005 sẽ triển khai 48 dự án đấu giá quyền sử dụng đất, thu ngân sách khoảng 2500 tỷ đồng song đến nay mới thực hiện được 3 dự án và thu ngân sách được 300 tỷ đồng. Ngoài ra Thành phố cũng cần huy động và bổ sung thêm khoảng 3000 tỷ đồng cho các dự án đầu tư lớn và triển khai phát hành 1000 tỷ đồng trái phiếu xây dựng Thủ đô.

* Ngân hàng: Dự kiến đến hết tháng Sáu năm 2005 tổng vốn huy động của các ngân hàng trên địa bàn đạt 167, 6 nghìn tỷ đồng, trong đó tiền gửi dân cư là 70, 1 nghìn tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay đạt 95, 5 nghìn tỷ đồng, trong đó dư nợ trung và dài hạn đạt 44, 3 nghìn tỷ đồng.



Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         Lấy lại mã bảo mật